Hoa ngũ sắc (trong các giỏ treo) là loại hoa đuổi muỗi, rệp rất tốt.
Khắc tinh của côn trùng, bò sát
Ông Nguyễn Hữu Hùng, Chủ cửa hàng cây cảnh, phố Hoàng Hoa Thám, Hà Nội chia sẻ: “Khách đến mua hàng thường được tôi tư vấn kỹ, khách hài lòng mà tôi thì bán được nhiều cây hơn. Ngoài việc tư vấn giúp khách đặt cây trong nhà, ngoài sân sao cho cân đối, đẹp mắt tôi còn tư vấn những loại cây có tác dụng đuổi côn trùng, rắn, rết khiến khách rất thích”.
Ông Hùng cho biết, hoa ngũ sắc giá rất rẻ, nhiều gia đình đang có mốt trồng ở hành lang, làm giỏ treo trong các khu chung cư. Đây là loài hoa chứa nhóm hợp chất coumarin có tác dụng đuổi muỗi rất tốt. Khi mua các sản phẩm xịt muỗi chỉ cần quan sát một chút có thể nhận ra hình ảnh hoa ngũ sắc in trên các vỏ hộp xịt đuổi muỗi. Hơn nữa, màu sắc của hoa cũng vô cùng phong phú, từ trắng, hồng, xanh, tím, đỏ... Ngoài ra, còn có rất nhiều loài hoa khác cũng có tác dụng đuổi muỗi, đuổi rệp rất tốt như cúc vạn thọ; Hoa sen cạn vừa có thể làm nhiều món ăn, vừa đuổi được ruồi, bọ cánh cứng, rệp; Cây ngũ gia bì, cây hương thảo…
Ông Trần Văn Minh, xã Thượng Cát, quận Bắc Từ Liêm chia sẻ “trong vườn nhà tôi có rất nhiều cây nhưng tôi mua bất cứ cây nào về nhà trồng cũng có chủ ý. Cây không chỉ làm cảnh mà phải có thêm vài tác dụng thú vị, hữu ích gì đấy. Chẳng hạn, tôi chọn cây húng chanh không chỉ là vị thuốc, gia vị ngon mà còn có thể phòng chống muỗi; Cây bạc hà, vừa làm thuốc chữa ho, chữa cảm cúm, vừa xua đuổi được cả kiến, ong, gián, thậm chí lũ chuột cũng phải tránh ra. Mùi thơm của cây bạc hà cũng giúp át các mùi thức ăn, khiến không khí trong nhà lúc nào cũng dễ chịu”.
“Ngoài ra, tôi còn có cây tùng thơm, cây hoắc hương, hoa dạ hương, hoa lan tỏi vừa đẹp, vừa đuổi được lũ muỗi, kiến, ruồi, nhặng, bọ cánh cứng… Bà nhà tôi thích nhất là hoa lan tỏi, vừa dùng làm món ăn giải nhiệt, chống rôm sảy, thuốc an thần, bổ thận, bớt đi tiểu đêm, đỡ mệt mỏi, đau nhức xương… Cây này có mùi tỏi rất nồng, nồng hơn cả tỏi nên lũ rắn tránh xa. Cây nén không đẹp nhưng rắn cũng rất sợ vì nó có mùi thanh và cay hơn so với hành, tỏi nên khi ngửi được mùi này từ xa là các loài rắn đã bỏ đi. Quê tôi ở miền Trung, nhà đất rộng, nhiều gia đình vẫn trồng cây nén xung quanh nhà để “trừ” rắn, ngăn chúng bò vào nhà”, ông Minh cho biết.
Cũng đang trên phố Hoàng Hoa Thám để sưu tầm thêm cây cảnh, ông Quỳnh, phố Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai cho biết: “Rất nhiều loại cây quen thuộc có tác dụng đuổi côn trùng: Cây sả có hương thơm đặc biệt khiến cho muỗi, rắn không thể định hướng nó cũng là gia vị rất thơm ngon, là loại nguyên liệu chính cho các nhà sản xuất thuốc đuổi côn trùng nhờ lấy được tinh dầu citral và geraniol từ thân sả; Cây lưỡi hổ được nhiều người chọn đặt trong nhà vì thế của cây rất đẹp. Ngoài tác dụng làm sạch không khí, cải thiện tâm trạng tốt cây này còn khiến bọn rắn tránh xa”.
Nên trồng gần cửa sổ hoặc cửa ra vào
Theo các chuyên gia Trung tâm nghiên cứu và phát triển hoa, cây cảnh Gia Lâm, Hà Nội, trên thực tế có thể dễ dàng nhận diện được các loại cây đuổi côn trùng qua việc quan sát, khứu giác. Theo đó, sau cơn mưa hoặc buổi chiều tối chỉ cần dùng tay, que hoặc gậy gõ nhẹ vào thân cây nếu không thấy côn trùng bay ra thì đó chính là cây khắc tinh của côn trùng. Về khứu giác nếu ngửi thấy những loại cây tỏa nhiều mùi hương thì cây đó thường không phải là chỗ trú ngụ của côn trùng.
TS Phạm Thị Khoa, Trưởng khoa Hóa thực nghiệm, Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng TƯ cũng cho rằng, hiện nay trên thị trường đang bán rất sẵn những loại cây có khả năng đuổi côn trùng tốt như cúc đại đóa, cúc dại, cây sả, cây ngũ gia bì... do thân cây có chứa tinh chất thuộc nhóm pyrethroid. Chất này đã được nhiều hãng hóa chất nghiên cứu và chiết xuất để tạo nên thuốc diệt muỗi và côn trùng. “Cây đuổi được côn trùng là nhờ mùi hương và tinh chất có trong cành, lá của cây. Theo đó, để những loại cây này phát huy được tối đa công dụng của nó nên trồng gần cửa sổ, cửa ra vào hoặc trồng trong nhà. Để tiêu diệt côn trùng và khiến chúng tránh xa ngôi nhà của bạn tốt nhất nên chế biến lá cây để tăng khả năng xua đuổi côn trùng nói trên”, TS Phạm Thị Khoa nhấn mạnh.
Cách chế biến lá những loại cây đuổi côn trùng được TS Khoa hướng dẫn là, tùy từng loại cây mà lấy hoa hoặc lá - phần chứa mùi thơm hoặc tinh dầu nhiều nhất của loại cây đó vò dập, cho vào túi lưới treo tại chỗ côn trùng ẩn náu. Hoặc có thể hái lá, phơi khô, xay nhỏ trộn lẫn mùn cưa làm hương muỗi đốt khoảng 1 tuần/lần, sau đó thay bằng lượt lá mới.
NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ
Gọi cho chúng tôi 0902233317
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét