Khi nắng nóng của mùa hè đang giảm dần, nhường chỗ cho tiết trời dìu dịu sắp chuyển mình sang thu, thì đây cùng là thời điểm "vàng" để bạn có thể bắt tay vào trồng và chăm bón cho những chậu, khóm rau chùm ngây được trưởng thành, tươi tốt.
Ai cũng biết rằng, chùm ngây là loại cây có xuất xứ từ vùng Nam Á và được trồng nhiều ở cả châu Á và châu Phi. Cây chùm ngây rất phổ biến ở Ấn Độ và được trân trọng gọi là cây Độ Sinh (Tree of life). Với đặc điểm vô cùng dễ trồng và lợi thế giúp cung cấp loại rau giàu dinh dưỡng cho cả gia đình, thì không có lý do gì để bạn từ chối việc trồng một vài cây chùm ngây chăm sóc từng bữa ăn cho cả nhà.
Công dụng chính của rau chùm ngây
Chùm ngây được xem là một trong những loài cây hữu dụng bậc nhất thế giới khi mà toàn bộ các phần trên cây chùm ngây đều có thể được dùng làm thức ăn hoặc phục vụ cho các mục đích khác.
- Lá cây chùm ngây có chứa nhiều chất dinh dưỡng: có chứa nhiều vitamin A hơn cả cà rốt, nhiều canxi hơn sữa, nhiều sắt hơn rau muống, nhiều vitamin C hơn cam chanh, nhiều kali hơn chuối, và nhiều chất đạm hơn trứng và sữa.
Lá chùm ngây có thể ăn tươi, nấu chín hay bảo quản dưới dạng bột trong suốt nhiều tháng mà không cần sử dụng đến tủ lạnh, và cũng không hề mất đi giá trị dinh dưỡng khi để lâu.
- Hoa có nhiều mật ngọt và giàu dinh dưỡng, dùng để làm rau hoặc phơi khô dùng nấu lấy nước uống như một loại trà.
- Trái non dùng để xào, nấu canh, hầm xương, ninh súp như đậu cô ve và cho hương vị gần tương tự măng tây. Khi già, hạt chùm ngây có thể rang ăn như đậu phộng.
- Hạt của quả chùm ngây còn có tác dụng tăng cường sinh lực, dùng để điều chế làm thuốc trị chứng bất lực ở đàn ông hoặc làm tăng cường khả năng ham muốn ở đàn bà. Trong hạt chùm ngây có chứa từ 38 - 40% dầu ăn được (còn gọi là dầu ben). Thứ dầu nguyên chất từ hạt quả chùm ngây rất trong, không mùi, để lâu không trở mùi như các loại dầu thực vật.
- Rễ non ăn sống hoặc làm gia vị như mù tạt.
Với sự đa dạng về công dụng, không ngạc nhiên khi các loại hạt giống cây chùm ngây hiện bày bán nhiều trên thị trường, đa số có tỉ lệ nảy mầm cao nếu đượcgieo đúng cách. Bởi vậy, không quá khó khăn để bạn có thể sở hữu hạt chùm ngây, chuẩn bị cho một công cuộc chăm sóc cây từ hạt.
Bước 1: Ngâm hạt giống
Ngâm hạt giống cây chùm ngây trong nước ấm 24 giờ. Sau khi ngâm hạt cây chùm ngây xong bạn vớt ra trộn với cát và ủ trong bao tải, hoặc rơm rạ mỗi ngày tưới một lần, 3 - 6 ngày sau hạt nẩy mầm, sau đó đem hạt chùm ngây ươm vào bao nhựa hoặc chậu nhựa chứa đất tơi xốp có khoét lỗ rút nước, tưới nước vừa đủ ẩm và tránh sũng nước, 3 - 5 ngày tiếp theo cây sẽ nhú lên.
Sau khi nhú mầm, hệ thống rễ cây cũng lớn dần tạo độ bám giúp cây vững chãi hơn
Trong giai đoạn nay bạn nên đào lỗ rộng gấp đôi và sâu gấp đôi trong chậu nhựa, mỗi lỗ đào cách nhau từ 1,5m - 2m. Rồi cắt đáy, rạch hai bên, nếu được xé toạc lấy chậu và bao ra khỏi lỗ, lưu ý không để phạm vào rễ cái. Đổ một lớp đất xốp trước khi đặt chậu hoặc bao nilon xuống, cuối cùng là phủ, nén lớp đất xốp xung quanh và mặt trên, giữ ẩm 2 - 3 tuần cây sẽ sống khoẻ, đến lúc đó không cần phải thường xuyên tưới nước nữa.
Bước 2: Chăm sóc cây non
Sau khi cây non mọc lên, tiếp tục tưới nước hằng ngày và cắm một que tre cao 5 tấc cạnh cây chùm ngây con, cột dây (mục đích giữ cho cây không bị ngã trong quá trình tưới).
Cây giống phát triển rất nhanh, sau 1 tháng cây cao tầm khoảng 25 - 30 cm, rễ ăn đầy bầu thì có thể mang ra đất hoặc tách từng cây vào chậu cỡ lớn để trồng.
Bước 3: Kỹ thuật chăm bón
Cây chùm ngây chuộng đất ráo nước, nhiều cát, dù là đất xấu cũng dễ mọc, chịu được hạn hán, ưa nắng. Cây hầu như không bị sâu bệnh hại do đó chăm sóc cây không cần điều kiện gì đặc biệt về phân bón và nước tưới. Tuy nhiên cây không chịu được úng ngập và dễ chết nếu không được thoát nước tốt.
a) Bón phân
- Phân bón: tùy theo vào hàm lượng dinh dưỡng của đất, tuổi của cây và sản lượng của cây.
- Bón lót: thông thường nên dùng phân ủ hoai đã khử bệnh.
- Bón thúc: đào rãnh xung quanh gốc cây, sâu 15 - 20cm, rộng 20 - 25cm, bón phân xuống rồi lấp đất và tưới nước. Ngoài ra cần sử dụng phân bón lá để bổ sung dinh dưỡng cho cây.
b) Tưới nước
Mặc dù cây chùm ngây chịu hạn rất tốt nhưng nắng hạn kéo dài sẽ làm cây mất sức và giảm năng suất nhiều. Vì vậy, bạn nên chú ý đến việc giữ độ ẩm của đất, tránh trường hợp cây bị thiếu nước.
Biểu hiện của cây thiếu nước:
- Cành mới hình thành ít lá, chậm phát triển.
- Cành teo lại và chuyển sang màu vàng.
- Lá cây bị vàng và héo nhiều.
- Lá nhỏ.
c) Làm cỏ
Trước mỗi đợt bón phân có thể dùng thuốc trừ cỏ hoặc dùng cách làm cỏ thủ công.
Bước 4: Thu hoạch
Nếu trồng chùm ngây trong vườn hoặc góc sân, bạn có thể thoải mái chăm bón để cây tốt tươi vừa tỏa bóng mát vừa sử dụng làm nguồn thực phẩm hàng ngày.
Nếu trồng trong chậu hoặc thùng xốp, bạn lưu ý nên thường xuyên cắt lá, tỉa ngọn để hạn chế độ cao cho cây, giúp cây tạo tán rộng để dễ dàng đặt ở các vị trí như hiên nhà, ban công, sân thượng và tiện lợi hơn cho việc thu hái.
NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ
Gọi cho chúng tôi 0902233317
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét