Văn phòng Diện Chẩn Sống Khỏe_ Khu nhà 102 Ngõ 95 Chùa Bộc-Đống Đa-Hà Nội _ ĐT : 0906143408

Hướng dẫn lý thuyết và thực hành cơ bản miễn phí cho những quí vị thực sự yêu thích Diện Chẩn . Hãy gọi cho chúng tôi để biết lịch .

Tư vấn sức khỏe , chẩn bệnh đưa ra phác đồ miễn phí.

Thứ Ba, 31 tháng 3, 2015

Trồng ớt "của quý" lạ mắt dễ ợt trong thùng xốp

Ớt Peter được mệnh danh là loại ớt quyến rũ nhất thế giới đã bắt đầu du nhập vào Việt Nam.

Trồng ớt hình 'của quý' ở Việt Nam
Ớt Peter với hình dạng giống 'của quý' của nam giới luôn được liệt kê vào trong danh sách những loại củ quả có hình dáng kì lạ nhất trên Thế giới. 
Giống ớt có hình dạng độc đáo này đã giành được một số quy ước, trong đó có quyền được coi là "Giống ớt gợi cảm nhất" bởi Tạp Chí Làm Vườn Hữu Cơ. Chỉ là một loại ớt nhỏ thú vị nhưng có thể làm nên một chủ đề tuyệt vời trong vườn cũng như trong bữa ăn do hình dạng giống bộ phận sinh dục nam đặc trưng. 
Ớt Peter phổ biến có hai màu đỏ hoặc vàng khi chín. Chúng không quá phổ biến và đến giờ các nhà sinh học vẫn chưa hết được nguồn gốc của loại quả kì lạ này.
 Trồng ớt 'của quý' lạ mắt dễ ợt trong thùng xốp - 1
Ớt 'của quý' dài khoảng 7-10cm và to 2.5-3.5cm khi chín. Một quả ớt Peter khi phát triển toàn diện có hình như 'bản sao thu nhỏ của cơ quan sinh dục nam đã lột bao quy dầu'. Ngoài hình dáng đặc biệt, ớt Peter cũng cay nổi bật. Độ cay của ớt Peter đạt 10,000–23,000 (cay bỏng lưỡi). Vì vậy, ít khi ớt Peter được dùng trong thực phẩm hàng ngày, mà chủ yếu để ngâm hoặc trang trí.
Loại ớt này cay nhất khi trồng ở Mexico những cũng phổ biến rộng rãi ở Hoa Kì. Các chuyên gia làm vườn đã nhân giống để có sẵn hạt cho các nhà cung cấp. Hiện nay, ớt Peter thích nghi tốt với nhiều loại khí hậu. Hạt giống cũng đã được xuất khẩu sang các nước châu Á, trong đó có Hàn Quốc.
 Trồng ớt 'của quý' lạ mắt dễ ợt trong thùng xốp - 2
Với hình dáng 'sexy' của mình, ớt Peter cũng quyến rũ không ít người trồng vườn tại Việt Nam. Ban đầu, nhiều chị em đã đặt hạt giống ở nước ngoài từ các cửa hàng cây cảnh. Dần dần, nhận thấy nhu cầu gia tăng, các nhà cung cấp ở Việt Nam cũng nhập hạt về bán.
Anh C. chia sẻ trên một diễn đàn về cây cảnh ở Việt Nam về kinh nghiệm riêng của mình: "Ớt Peter là giống ớt cho trái rất nhiều. Tết vừa rồi tôi trồng ra từ 1 trái của giống ớt này được khoảng 60 cây, sau đó nhổ bỏ hết chừa lại 10 cây. Trong khoảng thời gian 2 tháng trở lại đây, mỗi 2 tuần thì tôi hái được chừng 1kg trái. Bây giờ có nhiều bạn có giống ớt này đang trồng và không biết có ai trồng ra trái chưa vậy?"
 Trồng ớt 'của quý' lạ mắt dễ ợt trong thùng xốp - 3
 Trồng ớt 'của quý' lạ mắt dễ ợt trong thùng xốp - 4Cây ớt Peter của anh C. nhiều trái đến mức bật cả gốc khi trời mưa to

Cách trồng ớt Peter
Cách trồng và chăm sóc ớt Peter không hề khác so với những cây ớt bình thường. Bạn chỉ cần gieo hạt vào chậu hoặc thùng xốp, tưới đủ ẩm và để ở bậu cửa sổ đầy nắng là cây ớt sẽ tự phát triển vùn vụt.
Chuẩn bị: 
- Chọn thời điểm: Ớt có thể trồng được quanh năm. Từ lúc gieo hạt đến lúc thu hoạch chỉ mất khoảng 3-4 tháng
- Đất: Đất trồng ớt cần nhiều dinh dưỡng và tơi xốp. Trước khi gieo hạt, bạn có thể bót lót một chút phân NPK, hay phân hữu cơ.
Thực hiện:
- Gieo hạt: Trước khi gieo xuống đất, ngâm hạt ớt trong nước ấm trong khoảng 30 phút rồi phơi khô dưới ánh nắng mặt trời. Sau khi gieo hạt sâu xuống mặt đất khoảng 0.5-1cm, tưới đủ ẩm rồi phủ màng bọc thực phẩm lên trên. Bạn nên để chậu đất ở góc có nhiều ánh nắng. Sau khi gieo hạt khoảng 1 tuần thì cây bắt đầu lên mầm. Khi cây có từ 4-5 lá (30-35 ngày sau gieo) thì chuyển cây con ra trồng.
 Trồng ớt 'của quý' lạ mắt dễ ợt trong thùng xốp - 5Chậu ớt Peter của chị Thủy nảy mầm sau khi gieo hạt một tuần. Giống này chị lấy hạt từ quả ở cây của một bạn trong cùng nhóm cây cảnh. 
- Vào mùa mưa, bạn cần đảm bảo thoát nước tốt; Mùa khô phải tưới nước đầy đủ. 
- Cắt tỉa: Tỉa bỏ bớt các cành, lá để cây ớt phân tán rộng và gốc được thông thoáng. Bạn nên chọn lúc nắng ráo để tỉa cành.
- Thu hoạch: Ngắt cả cuống trái khi ớt chuyển màu (35-40 ngày sau khi ra hoa). Nếu chăm sóc tốt thời gian thu hoạch có thể kéo dài hơn 2 tháng.
Chị Thanh ở TPHCM chia sẻ về kinh nghiệm trồng ớt Peter: "Thật ra nó cũng dễ trồng. Ban đầu, mình ươm hạt trong chậu nhỏ. Khi nảy mầm và cao khoảng 10cm thì sang chậu và bón lót chút phân bò. Trong quá trình chăm, mình chỉ tưới nước đủ ẩm. Sau đó khi cây lớn và đâm ngọn ra mình ngắt bớt ngọn để đâm nhánh nhiều và khỏe."
 Trồng ớt 'của quý' lạ mắt dễ ợt trong thùng xốp - 6Chị Thanh đã thử trồng ớt Peter 2 lần. Lần 1 được một người bạn ở Mỹ tặng giống thuần thì hơi khó ươm, lâu nảy mầm. Lần 2 chị mua giống lai ở cửa hàng gần nhà thì dễ trồng, dễ chăm.
 Trồng ớt 'của quý' lạ mắt dễ ợt trong thùng xốp - 7Cây lần này là loại giống lai. Lúc người ta trồng lấy giống thì bị thụ phấn bị động với các cây ớt khác nên trái lúc ấy vẫn chuẩn hình dạng nhưng hạt trồng ra không chuẩn hình ớt Peter như chị Thanh mong đợi.
Anh C. thì cho biết: "Ớt này cần nhiều nắng càng tốt. Chậu càng to trái càng nhiều. Phân càng nhiều trái càng to, phân hóa học thì 15 - 30 ngày bón 1 lần vừa đủ, không bón cũng không sao. Quan trọng là chất trồng phải nhiều. Có thể trồng bằng phân dừa hoặc phân rác đều tốt. Tôi trồng ba cây trong một cái chậu 1 mét, tuy trái nhiều nhưng mà vẫn thấy quá chật chội để cây phát triển."
 Trồng ớt 'của quý' lạ mắt dễ ợt trong thùng xốp - 8
 Trồng ớt 'của quý' lạ mắt dễ ợt trong thùng xốp - 9
 Trồng ớt 'của quý' lạ mắt dễ ợt trong thùng xốp - 10Những trái ớt Peter của anh C. chuyển màu dần dần từ lúc còn non đến lúc chín nẫu

Theo Thạch Thảo - Khám phá

Cách trồng rau muống tươi ngon cho cả gia đình

Hạt giống rau muống tương đối dễ nảy mầm nên người trồng có thể gieo trực tiếp vào thùng mà không cần ủ nước ấm trước.

Tuy nhiên, tỷ lệ nảy mầm chỉ đạt khoảng 50-60% và thời gian nảy cũng lâu hơn.
Kỹ thuật trồng cây rau muống khá đơn giảnKỹ thuật trồng cây rau muống khá đơn giản
Cách ủ hạt giống: ngâm hạt giống rau muống trong nước ấm theo tỷ lệ 2 phần nước sôi + 3 phần nước lạnh; ngâm hạt trong nước pha trên từ 3h - 6h rồi vớt ra ủ lại bằng khăn giấy có thấm nước từ 6h - 10h. Sau đó, người dân nên để hạt giống ráo khô và chuẩn bị đất trồng.
Đất trồng gồm: xơ dừa đã xử lý vi sinh và đất dinh dưỡng. Người trồng nên cho hỗn hợp này vào khay xốp với tỷ lệ: 2 kg xơ dừa đã xử lý vi sinh + 2kg đất dinh dưỡng, cho hỗn hợp đất vừa đầy mặt khay. Sau đó, người trồng rau trong thùng xốp có thể dùng bình phun nước cho đất trồng, đảm bảo cho đất luôn đủ ẩm.
Người dân có thể tự trồng rau muống nước cho gia đình bằng cách áp dụng đúng kỹ thuật trồng câyNgười dân có thể tự trồng rau muống nước cho gia đình bằng cách áp dụng đúng kỹ thuật trồng
Cách gieo hạt: rải hạt thành hàng 10cm x 15cm. Người dân có thể tưới nước cho hạt trong thùng xốp bằng bình phun với tia nước nhỏ, dùng lưới đen hay tấm giấy che lại giữ ẩm, để khay hạt trong mát, tưới đủ nước 2 lần/ ngày. 
Khi hạt ra được 2- 3 cặp lá là có thể đem cây ra ngoài có ánh nắng. Vào mùa mưa, cây chỉ cần được tưới nước vừa đủ, mùa khô cây nên được tưới ngày hai lần vào buổi sáng sớm và chiều mát.
Ngoài ra, việc bón phân bổ sung cho việc trồng rau muống rất cần thiết. Phân vô cơ có hàm lượng đạm cao giúp cây rau muống mau lớn cho nhiều lá. Phân Super lân giúp rễ của cây phát triển tốt hơn.
Bón phân lần 1 diễn ra sau khi cây rau muống ra được từ 2 - 3 cặp lá. Người chăm cây pha 8 - 10 gr phân Ure và 10 gr phân Super lân (2 muỗng cà phê đầy) với 4 lít nước rồi tưới đều trên rau muống lúc chiều mát, vào buổi sáng hôm sau cần tưới xả lại.
Không gian mở ngoài cửa số là địa điểm thích hợp để trồng rau trong nhàKhông gian mở ngoài cửa sổ là địa điểm thích hợp để trồng rau trong nhà
Sau khi bón phân lần 1, cây cần được phun luân phiên thêm phân bón lá vitamin như B1, rong biển, atonik, phân bón lá ra rễ mầm chồi,... để tăng sức đề kháng với sâu bệnh.
Bón phân lần 2 cách lần 1 từ 10 - 15 ngày. Người trồng pha liểu lượng 8 - 10 gr phân NPK hoặc phân DAP với 4 lít nước, tưới đều trên thân lá gốc cây rau muống lúc chiều mát và tưới xả lại vào sáng hôm sau.
Sau khi thu hoạch, rau muống cần được cắt ngang gốc, chừa lại gốc khoảng 2- 3 cm để cây nhú mầm non. Sau 7 -10 ngày, cây cần được bón phân ra rễ và mầm chồi để cây mau mọc lá mới. Sau đó, người trồng tiếp tục bón phân như lần 1 và 2.
Khi rau muống có từ 3 - 4 cặp lá thường có hiện tượng nhạt màu, vàng lá do thiếu đạm và hệ rễ nhạy cảm với đất trồng. Vì thế, việc bón phân lần 1 sẽ khắc phục được hiện tượng này.
Rau muống luộc, cà dầm tương là 2 món ăn dân giã của người Việt NamRau muống luộc, cà dầm tương là 2 món ăn dân giã của người Việt Nam
Lưu ý: Người trồng dùng bình phun hay vòi có tia nước nhẹ, đều tránh có áp lực mạnh để tránh làm dập lá rau. Khi trời mưa to, cây nên có mái che hạn chế nước mưa làm hư thối lá rau. Ngoài ra, người dân cần ngưng tưới phân trước khi thu hoạch từ 7 - 10 ngày để đảm bảo an toàn thực phẩm.
Phương pháp thu hoạch
Thời gian thu hoạch lần 1: sau 40 - 50 ngày gieo, người dân có thể thu cắt rau muống đợt đầu tiên hoặc khi rau muống đạt độ cao khoảng 35 - 40 cm. Thời gian thu hoạch lần2 là sau khi thu hoạch lần 1 và bón phân bổ sung khoảng 20 - 25 ngày.
Trong điều kiện cây rau muống được chăm sóc tốt và cung cấp đầy đủ dinh dưỡng, người dân có thể thu hoạch tối đa 5 - 6 đợt. Đất trồng rau muống sau khi thu hoạch nên được bón vôi bột nông nghiệp hoặc men vi sinh như EM, tricodemar để xử lý. Ngoài ra, đất cần được xới và để khoảng 2 - 3 ngày, sau đó thêm ít đất dinh dưỡng là có thể sử dụng lại.
Theo Vy Vy - VietQ

Tính trạng nào giúp cây sống tốt hơn trong vùng hạn hán?

Fb-Button

Tính trạng rễ câyCây có rễ mỏng hơn có thể phát triển sâu hơn đó là một tính trạng có thể khai thác ở các vùng đất bị ảnh hưởng bởi hạn hán và thiếu thốn dinh dưỡng. Nghiên cứu mới cho thấy, những rễ ngô có ít tế bào vỏ hơn trong lớp ngoài của rễ thì hiệu quả hơn khi tiếp cận nước và chất dinh dưỡng.

Một nhóm nghiên cứu do Giáo sư Jonathan Lynch tại Đại học bang Pennsylvania, Hoa Kỳ đứng đầu, cho thấy rễ ngô có sự khác biệt tự nhiên về số lượng tế bào vỏ trong rễ của chúng. Sự khác biệt này có thể được lựa chọn ưu tiên để trồng trọt trên loại đất mà rễ sâu là một lợi thế. Một nghiên cứu thực địa phối hợp với Trường Cao đẳng Nông nghiệp Bunda ở Malawi cho thấy, số lượng tế bào vỏ ít hơn giúp rễ giảm chi phí năng lượng khi thăm dò đất.
Giáo sư Jonathan Lynch giải thích, “số lượng tế bào vỏ ít hơn có nghĩa là lượng chất dinh dưỡng mà cây sử dụng từ chồi để duy trì tế bào rễ thì ít hơn. Ở những cây ngô gặp hạn hán, thì tính trạng này làm tăng độ sâu của rễ, vì cây có thể dành nhiều chất dinh dưỡng hơn để phát triển sâu hơn dưới đất, nhằm tăng lượng nước hút được, từ đó cải thiện sự tăng trưởng và sản lượng”.
Bằng cách kết hợp tính trạng này với những tính trạng thực vật khác như khả năng kháng bệnh tăng cường, các nhà nghiên cứu hy vọng có thể sản xuất các hạt giống tốt hơn cho nông nghiệp. Những cây này, nhờ tính trạng mới này, có thể duy trì năng suất cao ở những khu vực mà hạn hán ngày càng nghiêm trọng.
 Theo Viện KHKT Nông nghiệp Miền Nam

Làm thế nào rễ cây biết nơi cần bò đến?

Các nhà khoa học đã khám phá ra lý do khiến rễ cây tìm thấy đường đi trong bóng tối để mọc xuyên qua lòng đất.

rễ cây“Chìa khoá của vấn đề là ở lớp lông xoăn trên rễ cây”, thành viên nhóm nghiên cứu Liam Dolan từ Trung tâm John Innes ở Anh, tiết lộ. “Chúng tôi đã xác định được một cơ chế kiểm soát tăng trưởng cho phép những sợi lông này tìm thấy đường đi và mọc dài ra khi đường đi đó không có vật cản”.
Những chiếc rễ cây tìm đường đi trong đất tương tự như cách một người dò dẫm trong bóng tối. Nếu chúng bắt gặp vài vật cản, chúng sẽ đi vòng quanh cho đến khi chạm tới điểm có thể tiếp tục lớn.
Rễ cây làm được điều này thông qua một chu trình hoá học tự gia cố. Một protein ở đầu chóp của mỗi sợi lông trên rễ (có tên là RHD2) sẽ tạo ra các rễ tự do, kích thích sự hấp thu canxi từ đất. Canxi này, ngược lại kích thích hoạt động của RHD2, tiếp tục chu trình.
Chu trình chỉ dừng khi các lông rễ gặp một vật cản, và không hấp thu được canxi nữa. Khi đó, rễ cây bắt đầu mọc theo hướng khác.
“Cơ chế đặc biệt này tạo cho thực vật khả năng linh hoạt trong việc khám phá môi trường phức tạp và có thể chiếm lĩnh ngay cả những vùng đất khắc nghiệt nhất”, Dolan nói.
Theo LiveScience

Trồng rau sạch từ rác

Quá lo lắng với một số rau ngoài thị trường bị nhiễm bẩn, anh Nguyễn Ngọc Khuyến (P.Tân Thới Hiệp, Q.12, TP.HCM) sau thời gian tự mày mò, nghiên cứu đã chế tạo thành công mô hình tháp xử lý rác kết hợp trồng cây.

Khuyến chăm sóc “tháp bảo vệ môi trường” - Ảnh: N.TRÍ
Khuyến chăm sóc “tháp bảo vệ môi trường” – Ảnh: N.TRÍ
Anh Khuyến đặt tên là “tháp bảo vệ môi trường”, tận dụng nguồn rác bếp, hữu cơ để trồng rau sạch tại nhà. Hiện với năm tháp, gia đình sáu thành viên đã dư rau sạch ăn hằng ngày, chưa kể ba tháng qua gia đình anh Khuyến không phải tốn tiền rác.
Anh Khuyến cho biết chỉ cần cho rác nhà bếp, rau củ mềm vào ống, vi sinh chuyển hóa thành mùn, trùn ăn mùn thải ra phân, phân trùn là nguồn dinh dưỡng cho cây, nên trồng rau sạch trong tháp sinh trưởng nhanh hơn trồng đất và không cỏ, ít tiêu tốn nước.
Ngoài “tháp bảo vệ môi trường”, hai năm qua gia đình anh Khuyến được ăn cá sạch thường xuyên với mô hình aquaponics (cộng sinh giữa cá và rau trong cùng môi trường) tự chế. Anh Khuyến cho biết với aquaponics có thể tiêu thụ cá, cây trên cùng một diện tích. Chỉ tốn thức ăn cho cá, vi sinh chuyển hóa chất thải của cá thành dinh dưỡng cho cây trồng. “Mô hình này cần một thùng nhựa vài trăm lít, máy bơm nhỏ, máy oxy, máy bơm sẽ bơm nước có chất thải cá lên cây” – anh Khuyến nói.
Anh Khuyến cho biết thêm mấy tháng qua được rất nhiều bạn bè trên khắp cả nước tham quan, nhiều người đã đặt hàng hai mô hình của anh để tự nuôi cá, trồng rau sạch tại nhà và được Trường đại học Tôn Đức Thắng và Đại học Công nghiệp liên kết nghiên cứu sâu.
Nguồn : Tuổi trẻ

Thiết kế vườn trên mái

Một lần công tác ở thành phố Dedmol, Đức, ông Huỳnh Công Bằng, giám đốc công ty Thời Đại Xanh đứng trên ban công tầng 6 của một khách sạn nhìn xa xa bên dưới, trên mái vài căn nhà thấp cỏ cây hoa lá mọc xanh um, nhiều sắc màu thật đẹp mắt. Vốn máu nghề nghiệp, ông Bằng hỏi han mới hay rằng, chính chủ khách sạn này tài trợ chi phí cho các nhà tôn bên dưới trồng cây bụi trên mái “để khách ngụ tại đây cảm thấy cái đẹp, cái xanh từ mọi hướng”, ông giám đốc khách sạn nói vậy.
Hiện nay trên mái bằng các nhà cao tầng đều có những sản phẩm chuyên dùng để trồng cây cỏ. Nó vừa là lá phổi công viên vừa làm mát những không gian bên dưới
Ông Bằng ngạc nhiên đến tá hoả: “Mình không ngờ tầm nhìn của họ xa và rộng như vậy. Thật cảm phục!” Phải chăng cái màu kim khí của mái tôn nó lạnh, dưới ánh mặt trời còn ghê hơn – loá cả mắt. Bạn thử đứng đâu đó ngước nhìn hay ngó qua nóc nhà của phố phường Sài Gòn sẽ thấy, những bancông, những bình chứa nước inox, những mái vòm sắt thép… mà tê buốt cặp đồng tử. Làm tôi nhớ ở đầu thập niên 1980 của thế kỷ trước, khi tham gia lực lượng Thanh niên xung phong, ông bạn Phạm Hữu, nay là hoạ sĩ ở Bà Rịa – Vũng Tàu, buổi chiều cùng tôi vác cuốc lững thững ra về, đi phía sau có cô bạn cùng nông trường gợi ý: “Anh ơi, giặt đi rồi đưa em mạng lại cho, mông rách rồi, lòi cả quần đùi kìa!”. Ông Hữu đùa lạnh lùng: “Cám ơn em, ai nhìn phía sau thì ráng chịu, phía trước anh thấy lành lặn là tốt rồi!” Một ý nghĩ thật vô cảm (?). Không. Thuở đó, quần rách vá đùm vá chụp đầy đường và không vá cũng chẳng có sao! Ngay như thời nay người ta còn cạo cho rách, nhà sản xuất còn cà cho sờn mới nên… mốt. Ấy nhưng ngày nay, nhà cao cửa rộng, phố xá văn minh, mái nhà mà để “rách đít” e không ổn.
Để mái đầu xanh không bị… bạc
Bất luận nhà với hệ mái kiểu này, cọ kia, kiến trúc sư nặn óc “binh” nhà phố, tìm giải pháp, tạo công năng tốt nhất có thể cho nội – ngoại thất… Thì “cái mũ” trên cùng ngôi nhà đó cũng là thành viên chứ chẳng phải – nó ở trên cao không ai thấy! Và, nó còn là thành viên “đắc lực” nữa là đàng khác. Bởi ở đó, người ta có thể làm phòng dưới mái, làm chuồng cu che hệ cầu thang đi lên, làm kho, làm phòng thờ… Ôi đủ cả, nhưng đều cần được thể hiện đẹp, hữu ích. Công năng sử dụng tốt cho gia chủ đã đành, mà còn cần sạch đẹp cho phố phường, cho những người bâng quơ như tôi… nhìn ngắm.

tường đứng xanh trong khu nhà ở cao tầng tại Singapore.
Không khó để nhận ra rằng: từ việc xây cái bồn hoa nhỏ trước các ban công – thấy lẻ loi; nhà khác xây 2 bồn đưa về 2 phía cho cân đối – thấy có đôi, hay hay; nhà mới hơn, xây suốt luôn một dãy bồn ngang mặt tiền cho tất cả các tầng, hoa lá lên cao hay tua tủa rũ xuống bằng thích – mặt tiền đẹp, có mảng xanh. Vậy rồi, ở trong nhà không cảm thụ được bao nhiêu cái nỗ lực đẹp đó của chính mình mà cái sân thượng thì trống trơn, lỉnh kỉnh nào cuốc xẻng, thau hũ… Thôi thì mua vài chậu kiểng về đặt ở đó điểm xuyết cho mát mắt – làm như một cái vườn vọng nguyệt mini. Một thời gian thấy chán với điệp khúc muôn thuở – bận bịu với cuộc sống; cây cỏ èo uột héo úa. Nói như kiến trúc sư Nguyễn Văn Châu, giám đốc công ty Tỷ Lệ Vàng, “Cư dân phố thị mấy ai có thói quen chăm sóc vườn kiểng, ngoại trừ những người lớn tuổi; tác dụng tinh thần cũng như công năng làm tươi mát ngôi nhà ít người quan tâm mà vườn ngày một… lụi tàn!” Từ đó, cho đến giờ bồn hoa trước mặt tiền nhà phố vẫn thấy đầy rẫy, có cái cũng xanh tươi hoa lá nhưng không ít bồn èo uột và cả có bồn trống trơ làm cái… gạt tàn thuốc! Người có sự yêu thích, không chỉ cây kiểng, họ còn chăm trồng cả vườn cây quả, lá rau sạch để ăn, vừa xanh mát vừa khỏi ra chợ mua đụng rau củ Trung Quốc toàn chất bảo quản, thuốc trừ sâu. Nhưng với tôi vậy vẫn chưa đủ, bởi bao lần lên sân thượng đầy kiểng nhà ông bạn Đặng Anh ở Nguyễn Kiệm trà dư tửu hậu, ông nói, “Ngó vậy chớ chơi kiểng ở đây tôi vẫn thấy xa lạ ông ạ, thiếu sự thân thiện; vì nó cứng quá!”. Tôi tán đồng, tham gia: nó vẫn có gì đó thiếu sự tự nhiên vốn có của cỏ cây, nó phải được trồng trong đất; có đất đó, nhưng bị gò bó trong cái chậu sành – vẫn là ràng buộc! Có dịp bạn đi đường mới mở, đoạn từ sân bay Cam Ranh ra Nha Trang cặp mé biển, có một khu du lịch hoành tráng, dài lê thê theo bờ biển với hàng rào cây xanh thật mát. Nhưng đau thay, sát hàng rào này, cứ cách nhau chừng 5m họ cẩu về những tảng đá núi cao khoảng 1,5m dựng ở đó một cách trơ trẽn. Bởi đá phải mọc từ lòng đất. Cũng như cây cỏ, đá phải ghim xuống đất mới trồi lên. Điều này, ở Nhật có những vườn đá tảng đã thể hiện như vậy mà nhà văn Hy Lạp Nikos Kazantzakis từng đề cập đến.
Sống trong vườn chớ không chỉ để nhìn ngắm
Đứng xa xa trên dốc cao, khó nhận ra nhà nghỉ chân bởi cây cỏ mọc tràn mái nhà
Từ những suy nghĩ đó, KS Nguyễn Văn Đực đã dẫn tôi đi tham quan những căn nhà của ông thi công, có cái ông vừa thiết kế vừa thi công luôn. Ở đó, “tôi lấy độc trị độc”, KS Đực nói thêm, chống thấm là căn bệnh ung thư của ngành xây dựng nên lấy nước để chống thấm! Ra rằng, những công trình ấy, trên sân thượng ông đặt những đường gạch làm gối, trên gối kê các tấm đan có đục lỗ làm thành một cái sàn. Rồi trải sỏi, cát và đất lên trồng cây cỏ – tạo thành một sân vườn – trông tự nhiên, không chậu bình gì hết. KS Đực cho biết, nước sẽ thoát xuống sàn chính ngôi nhà, luôn luôn làm mát nên cốt liệu không bị co nhót, không gây nứt. Và những ngôi nhà này “đã xây trong hơn 15 năm qua mà vẫn không bị thấm dột”, KS Đực khẳng định. Ngoài ra, ông còn thiết kế phòng giặt nhỏ ngay trên sàn này để cho nước thải tuôn luôn xuống sàn chính, phụ lực làm mát.
Sao ông không sử dụng vào công năng khác mà làm vườn? – Công năng khác đã tính đủ trong ngôi nhà và bị khống chế bởi cao độ xây dựng nên thiết kế vườn trong nhà phố vốn chật hẹp ở đây là hợp lý; “một công mà hai việc – vừa chống thấm vừa có chỗ chơi!”, KS Đực nói. Thì ra, nhà phố không vườn tược trước sau, đất hiếm đến ngã giá từng nén vàng mà bèn “bứng” vườn lên sân thượng! Một cách chơi, một cách sống hay một cách nhìn về cộng đồng? – Cả ba. Khi đó gia đình sẽ sống, sinh hoạt thực sự trong mảnh vườn thượng đó chớ không phải cây kiểng để ngắm nhìn.
Những sản phẩm vỉ hay khay trồng cây cỏ đều có thể ứng dụng trên mái tôn, mái ngói..
Trên là nỗ lực của KS Đực để vừa trị “ung thư” vừa có chỗ “chơi” cách nay khoảng hai thập niên. Giờ thì không phải chịu tải nặng và thủ công như vậy nữa, thị trường đã hội đủ những sản phẩm chuyên dụng thực hiện sân vườn cây hoa lá cỏ trên mái bằng, mái tôn, mái vòm…; trên bãi cho xe đậu, bờ kè, vỉa hè… Đó là bề mặt, còn với tường đứng cũng có hệ thống ứng dụng trồng cây xanh che chắn, tạo cảnh quan. Qua tìm hiểu các hệ thống trồng cây cỏ trên công trình phố thị mà ở nhiều nước trên thế giới đã ứng dụng, ông Công Bằng cho biết, trước đây, chính phủ Singapore đã tài trợ cho các công ty nghiên cứu sản xuất những sản phẩm thiết dụng để xanh hoá phố thị bằng 50% giá trị phủ xanh nhà dân đại trà. Nay cũng hỗ trợ 50% trị giá nhưng thực hiện trên các công trình công cộng. Tại Việt Nam, các sản phẩm của hệ thống nêu trên đã ứng dụng nhiều công trình như công trình thoát nước cho sân vận động Long An 1.500m2, công trình Azura Vinacapital, Đà Nẵng 600m2, công trình Riverpark Residence, Phú Mỹ Hưng 700m2 mái sân vườn trồng cây cỏ trên lầu 3… Và giá để lắp đặt các tấm vỉ hay khay trồng cây cỏ trên các dạng mái “chỉ ngang giá tiền lát gạch men trong nước”, ông Bằng nói.
Chỉ có điều, con người đã tàn phá rừng đưa đến quá nhiều tác hại cho môi trường, ở đó làm mất đi lá phổi thiên nhiên. Nay con người có thờ ơ, quay lưng lại với những mảng xanh đáng có trong ngôi nhà của chính họ?
Bài và Minh họa: NGUYỄN TÂM- Kiến trúc & Đời sống

Bệnh thối rễ, khô cành cây vú sữa

vu sua sBệnh thối rễ là một trong những đối tượng dịch hại nguy hiểm và gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế cho vùng trồng vú sữa tập trung ở tỉnh Tiền Giang. Bệnh thường xuất hiện và gây hại nặng trên những vườn vú sữa già cỗi và kể cả đối với những vườn trong giai đoạn kiến thiết cơ bản làm sụt giảm đáng kể năng suất và thậm chí gây chết cây.

1. Triệu chứng
Triệu chứng khá phổ biến và điển hình cuả bệnh thối rễ trên cây vú sữa là cây còi cọc, kích thước lá bị thu nhỏ lại hay còn gọi “lá me”, tán lá thưa, có màu xanh xám, đôi khi lá trên một số cành bị rụng dẫn đến hiện tượng cây bị trơ cành và trái dễ bị héo xanh. Hệ thống rễ tơ (rễ mền) hay kể cả rễ thứ cấp đều bị bị thối nhũn, sau đó khô và hoá nâu. Ngoài ra, bệnh còn tấn công ở vị trí cổ rễ hay một số vị trí cục bộ trên rễ chính (nằm gần mặt đất) từ đó làm cho toàn bộ hệ thống rễ bị thối khô và hoá nâu, nếu phát hiện muộn thì sẽ rất khó phòng trị.
2. Tác nhân:
thối rễ do nhiều tác nhân gây ra như: nấm Fusarium solaniFusarium oxysporium và Pythium helicoides; nứt khô cành do nấm Botryospaeria rhodia.
 Một số yếu tố ảnh hưởng đến sự phát sinh, phát triển của bệnh: Tuổi vườn khá cao; Bón phân không cân đối giữa các thành phần N, P và K. Đặc biệt vẫn còn sử dụng biện pháp bơm lùa và bón nhiều phân đạm để kích thích ra hoa sớm vụ; Sử dụng quá ít phân hữu cơ; Đất chua và bón quá ít vôi; Nông dân không biết nguyên nhân gây bệnh và biện pháp quản lý thiếu đồng bộ; Bệnh phát triển rất nhanh, khó phát hiện và do đó các biện pháp xử lý bệnh đều không đạt hiệu quả như mong muốn; Ngoài ra, thiết kế vườn chưa đúng kỹ thuật, ngập úng, thoát nước kém trong mùa mưa lũ và bồi bùn lên mặt líp quá dày,…cũng là những yếu tố góp phần làm cho bệnh trở nên trầm trọng.
Bệnh thối rễ, khô cành cây vú sữa do nhiều tác nhân khác nhau, những tác nhân này đều có nguồn gốc phát sinh từ đất do đó đòi hỏi phải áp dụng nhiều biện pháp quản lý tổng hợp thì mới đạt được hiệu quả. Ngoài ra, việc kiểm tra vườn thường xuyên để có thể phát hiện sớm bệnh từ đó có biện pháp quản lý bệnh kịp thời và hiệu quả.
3. Qui trình quản lý tổng hợp bệnh thối rễ, khô cành
  3.  1. Giai đoạn sau thu hoạch
          – Tiến hành vệ sinh vườn: thu gom lá khô trên mặt líp, trái bị nhiễm sâu bệnh, cắt tỉa cành sâu bệnh, cành vượt bên trong tán, cành ốm yếu.
          – Tỉa cành, trẻ hoá những vườn cây vú sữa già cỗi, nhiễm bệnh thối rễ giúp cây hồi phục sinh trưởng nhanh và chất lượng trái được cải thiện. Nên tỉa cành để cây vú sữa phân bố cành đều theo các hướng và khống chế chiều cao không quá 4-4,5m. Đối với những vườn vú sữa già cỗi, cây bị nhiễm bệnh thối rễ thì tùy thuộc vào tuổi cây, mức độ nhiễm bệnh thì có thể tỉa 45-60% tán cây hoặc thấp hơn tỷ lệ này nhằm giúp sự cân bằng giữa tán cây và bộ rễ bị thối trong đất cũng như gia tăng chất lượng trái. Lưu ý, nên khử trùng vết cắt bằng thuốc trừ nấm có gốc đồng hoặc sơn công nghiệp để ngăn ngừa bệnh xâm nhiễm qua vết thương.     
          – Bón vôi cho toàn bộ vườn với liều lượng khoảng 5-10kg/ cây trưởng thành.
          – Xử lý thuốc trừ nấm gây bệnh thối rễ: có 2 trường hợp xảy ra:
          * Trường hợp cây thối hệ thống rễ thứ cấp (rễ tơ, rễ mền): Khi phát hiện hệ thống rễ bị thối tiến hành xử lý thuốc bằng cách xới nhẹ đất xung quanh tán cây, sau đó tưới một trong các loại thuốc trừ nấm có hoạt chất như: Fosetyl-aluminium, Mancozeb + Metalaxyl, Cuprous oxide, Benomyl  theo liều lượng khuyến cáo, số lần tưới thuốc 3-5 lần/năm tùy vào tình hình diễn biến bệnh trên vườn. Nên tiến hành xử lý thuốc khi cây đang thu hoạch còn 10-20% số trái trên cây. Tưới đều dung dịch thuốc xung quanh tán cây, sau đó tưới nước liên tục 2-3 ngày để giúp thuốc hoà tan và thấm đều vào trong đất.
          * Trường hợp cây thối rễ chính, cổ rễ: Trong trường hợp cây bị thối ngay vị trí cổ rễ, rễ chính nằm gần mặt đất thì phải cào đất ra cho lộ rỏ toàn bộ bộ phận rễ bệnh, cạo sạch vết bệnh và sử dụng cùng các loại thuốc nêu trên bằng cách pha đậm đặc theo tỷ lệ 1:1 (thuốc : nước) quét lên vị trí vết bệnh và tưới chung quanh vị trí này. Lặp lại nhiều lần (3-4 lần), mỗi lần cách nhau 7-10 ngày cho đến khi kiễm tra thấy vết bệnh hết thối. Sau xử lý thuốc, nên sử dụng vật liệu che đậy gốc (cỏ khô, mụn dừa,…) nhằm giúp rễ tơ mới mọc ra nhanh và tránh bị ánh sáng mặt trời tác động trực tiếp. Kết hợp rải thuốc trừ tuyến trùng đất (Diazinon, Fipronil, Cytokinin) theo liều lượng khuyến cáo trên bao bì, xử lý 1-2lần/năm hoặc nhiều hơn nếu đất bị nhiễm tuyến trùng nặng.
          – Có thể tưới hỗ trợ các chế phẩm kích thích sinh trưởng bộ rễ nhằm gia tăng sự phát triển rễ mới ngay sau khi tưới thuốc hoá học khoảng 7-14 ngày. Tưới định kỳ 1-2 lần/tháng cho đến khi kiễm tra thấy cây ra rễ mới.
    – Rải phân hữu cơ đã được ủ hoai với liều lượng 10-20kg/cây trưởng thành kết hợp với một số vi sinh vật có lợi TrichodermaStreptomyces và Pseudomonas.
3.2Giai đoạn chuẩn bị  xử lý ra hoa:
     – Xử lý ra hoa cho vú sữa khi cây đã trưởng thành, cho trái ổn định bằng phương pháp điều tiết nước và bón phân cân đối, hợp lý theo quy trình canh tác đã được khuyến cáo. Lưu ý không được bơm lùa và giữ nước trên mặt liếp quá lâu làm hư bộ rễ.
     – Phun ngừa bệnh gây nứt-khô cành 1-2lần/đợt chồi cho toàn bộ tán cây bằng các loại thuốc trừ nấm có hoạt chất: Thiophanate-methyl, Fenbuconazole, Myclobutanil ở giai đoạn cây ra đọt, cành non, cành chuẩn bị chuyển sang bánh tẻ.
          – Tiếp tục xử lý thuốc trừ bệnh thối rễ với các loại thuốc nêu trên.
3.3. Giai đoạn cây mang trái
            – Tỉa bỏ bớt trái bị nhiễm sâu bệnh, tì vết, cành nhỏ mang quá nhiều trái. Lưu ý đối với những cây sau trẻ hoá thường mang nhiều trái do đó nên giữ một số lượng trái nhất định và chỉ để nhiều trái đối với cành trẻ hoá từ 36 tháng trở đi.
          – Tiếp tục cung cấp thêm phân vô cơ theo quy trình canh tác và bón tăng cường phân hữu cơ hữu cơ ủ hoai/thương mại khoảng 2-5kg/gốc.
          – Ở thời điểm bắt đầu thu hoạch quả thì nên duy trì chế độ tưới định kỳ và tưới vừa phải nhằm cung cấp đầy đủ nước cho cây trong giai đoạn mang nhiều trái.
          – Ngoài ra, có thể xử lý bổ sung thuốc trừ bệnh thối rễ trong trường hợp kiễm tra vườn vẫn còn phát hiện rễ thối.
          
Nguồn : Viện cây ăn quả Miền Nam

Nguyên tắc trồng cây ăn quả đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm

Hiện nay, sản xuất cây ăn quả đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm được chứng nhận bởi nhiều tiêu chuẩn khác nhau như: VietGAP, GlobalGAP, ASEANGAP, sản phẩm hữu cơ… sản phẩm cuối cùng đều đạt chất lượng cao, hàm lượng các chất độc hại (tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng, vi sinh vật gây hại…) dưới ngưỡng cho phép.

cây ăn tráiĐể vườn cây ăn quả đạt được các tiêu chí an toàn thực phẩm, khi xây dựng vườn trồng mới hoặc chăm sóc vườn cây kinh doanh cần phải tuân thủ một số nguyên tắc chính như sau:
1. Đối với vườn cây ăn quả trồng mới
1.1 Lựa chọn đất trồng:
Trước hết, chọn vùng đất có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với yêu cầu sinh trưởng phát triển của loại cây ăn quả định trồng. Đất tốt, tầng canh tác dày thì cây sẽ cho nhiều quả, chất lượng tốt nhưng cây ăn quả lại thường được trồng trên vùng đất đồi dốc, đất lẫn sỏi đá… Vì vậy, nguyên tắc cơ bản của việc chọn đất là tầng đất canh tác phải đủ dày để bảo đảm bộ rễ cây phát triển tốt, độ dốc không quá 20o, gần nguồn nước tưới… Ngoài ra, vấn đề thị trường tiêu thụ sản phẩm cũng cần phải quan tâm ngay từ năm đầu xây dựng vườn cây ăn quả.
1.2 Chọn cây giống:
Khi đã xác định được chủng loại cây ăn quả cần trồng, địa chỉ cung cấp cây giống có ý nghĩa rất quan trọng, quyết định lâu dài đến hiệu quả sản xuất. Chọn mua cây giống tốt ở các cơ sở sản xuất giống có uy tín, cơ sở được nhà nước chứng nhận có vườn cây mẹ đạt tiêu chuẩn. Cơ sở cung cấp cây giống không chỉ đảm bảo về chất lượng cây giống (đúng giống, kích cỡ cây giống đạt yêu cầu, tỷ lệ cây sống cao…) mà còn có đầy đủ các thông tin về lý lịch giống, cây giống.
1.3 Cây trồng xen canh:
Cây trồng xen canh được trồng để tận dụng không gian những năm đầu khi cây trồng chính chưa khép tán. Loại cây trồng xen cần có một số đặc tính phù hợp để không cạnh tranh ánh sáng và dinh dưỡng với cây trồng chính như: nhanh cho thu hoạch, chịu bóng, thấp cây, bộ rễ phát triển không quá mạnh. Ngoài ra, nên chọn cây trồng xen có tác dụng hỗ trợ cho cây trồng chính như hạn chế xói mòn đất, hạn chế sâu bệnh hại, tăng hàm lượng mùn, đạm trong đất… sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn.
1.4 Phân bón:
 Phân bón sử dụng cho vườn cây ăn quả trồng mới bao gồm phân hữu cơ (phân chuồng) và phân vô cơ. Yêu cầu phân hữu cơ phải được ủ hoai mục trước khi bón lót. Phân vô cơ được dùng để bón lót và bón thúc sau khi trồng. Tuy nhiên, cần lưu ý độ pH đất phù hợp với đa số cây ăn quả là khoảng 6,0-6,5. Vì vậy, đối với đất chua phải bổ sung vôi bột bón lót để cân bằng độ pH đất.
1.5 Chuẩn bị hố và trồng cây:
 Chuẩn bị hố trồng trước khi trồng cây ít nhất 1 tháng. Kích thước hố trồng tùy thuộc vào loại cây ăn quả, tính chất đất và địa hình. Mật độ hố tùy theo từng loại cây, tuy nhiên một số trường hợp có thể trồng dày hơn, thậm chí gấp 2 lần để vườn cây nhanh khép tán, cho năng suất thu hoạch cao những năm đầu. Sau đó, tỉa cây để cố định khoảng cách cây lâu dài. Sau khi trồng cây, việc tủ gốc giữ ẩm và cố định cho cây luôn đứng thẳng, không bị gió làm đổ ngã là công việc quan trọng nhất để đạt tỷ lệ cây sống cao và đồng đều.
2. Đối với vườn cây ăn quả đang kinh doanh
2.1 Quản lý bề mặt đất của vườn cây ăn quả:
 Chăm sóc cây và trồng xen cây ngắn ngày sao cho bề mặt đất vườn cây ăn quả ít bị xói mòn, không bị chai cứng, giảm độ phì thấp nhất. Một trong các giải pháp tốt là trồng cây che phủ đất cho vườn cây ăn quả. Hiện nay, có một số loại cây họ đậu rất phù hợp cho che phủ đất như cây lạc dại, đậu lông, muồng hoa vàng… cũng có thể trồng cỏ ba lá, cỏ đuôi trâu vừa tạo mùn cho đất, làm xốp đất vừa tạo cảnh quan vườn quả đẹp.
2.2 Quản lý dịch hại:
 Việc kiểm soát sâu hại cây ăn quả trước hết cần áp dụng các biện pháp phòng ngừa như bắt bằng tay, bẫy bả, dùng thiên địch, sử dụng giống chống chịu, hệ thống canh tác phù hợp… Biện pháp phòng trừ hóa học được áp dụng cho các trường hợp sâu hại nặng. Chỉ dùng các loại thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép sử dụng ở Việt Nam, tốt nhất nên sử dụng thuốc trừ sâu sinh học. Đối với bệnh hại cây ăn quả, có nhiều nguyên nhân gây ra như do nấm, vi khuẩn, vi rút, tuyến trùng…. Tác động của thời tiết hay mất cân bằng dinh dưỡng (thiếu dinh dưỡng hay bị ngộ độc) cũng có thể làm cho cây có triệu chứng như bị nhiễm bệnh. Vì vậy, người trồng cây ăn quả cần phải biết chính xác nguyên nhân để có biện pháp phòng trừ kịp thời. Vệ sinh vườn cây, chăm sóc cho cây sinh trưởng phát triển tốt sẽ hạn chế rất nhiều dịch bệnh. Tuy nhiên, một số loại bệnh do nấm hại lá hay thối rễ cây khá phổ biến trên cây ăn quả cần sử dụng các loại thuốc hoá học trong danh mục cho phép và phun phòng định kỳ sẽ khống chế được bệnh.
2.3 Phân bón và dinh dưỡng đất:
Lượng phân bón hàng năm cho vườn cây ăn quả thường được tính toán trên cơ sở năng suất quả thu hoạch năm trước để tính lượng dinh dưỡng cây lấy đi từ đất, từ đó bổ sung dinh dưỡng cho đất. Trong sản xuất cây ăn quả hàng hóa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cần bón phân theo nguyên tắc: bón phân chuồng đã được ủ hoai mục, phân vô cơ không bón quá nhiều hoặc quá muộn khi sắp thu hoạch sẽ có nguy cơ tồn dư nitrat trong sản phẩm, tăng cường sử dụng phân vi sinh, phân bón qua lá…
2.4 Thu hoạch và bảo quản:
Một số loại quả được bao quả trên cây trong quá trình quả lớn để hạn chế sâu bệnh hại và làm cho mẫu mã quả đẹp hơn. Nguyên tắc cơ bản của công việc thu hoạch quả là: thu hái đúng độ chín của quả phù hợp với tiêu thụ; thu hoạch quả vào buổi sáng khi trời khô ráo; quả sau thu hoạch phải đựng vào thùng chứa và đưa đi sơ chế, tiêu thụ hay bảo quản trong ngày. Thông thường, sản phẩm quả của một cơ sở sản xuất được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ được đóng nhãn mác có lôgô của tổ chức chứng nhận cấp để người tiêu dùng nhận biết sản phẩm an toàn trên thị trường.
2.5 Ghi chép và quản lý sổ sách:
 Phải ghi sổ sách các công việc triển khai ở vườn quả trong suốt quá trình từ trồng, chăm sóc đến thu hoạch. Đây là tài liệu để các tổ chức chứng nhận quản lý, kiểm tra và truy nguyên nguồn gốc sản phẩm khi cần thiết. Đặc biệt, ghi chép đầy đủ các thông tin về mua, sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật như đã được các tổ chức chứng nhận hướng dẫn. Hồ sơ sổ sách được lưu trữ ít nhất trong 2 năm.

Cách chọn giống để trồng dừa

Dừa là loại cây lâu năm, có thể sinh trưởng, phát triển 50-60 năm. Có một số giống dừa cho năng suất cao như giống dừa dâu cho năng suất thu hoạch khoảng 90-120 trái/năm, dừa ta thu hoạch khoảng 70-100 trái/năm. Nếu chọn giống dừa từ cây dừa mẹ không tốt, ít trái, trái nhỏ. Mặc dù cây dừa mẹ cho trái khá nhưng nằm trong quần thể vườn dừa có nhiều cây ít trái lân cận, nó đã thụ phấn chéo, bị lai và cho trái ít.

dừa giống1. Các loại giống cây dừa
Khi trồng cây dừa, việc đầu tiên phải nghĩ đến là chọn giống. Đây là khâu quan trọng nhất, vì nó quyết định cho sự thành bại cho mảnh vườn dừa. Khi chọn giống chúng ta cần phân biệt có hai nhóm giống là dừa cao và dừa lùn.
- Giống dừa cao gồm có dừa ta (xanh, vàng); dừa dâu (xanh, vàng); dừa bung. Dừa ta, dừa bung thường có gốc to, đường kính gốc 0,6-0,7m, thân to khoảng 0,30m, cây cao 20-25m, tuổi thọ 50-60 năm, cho trái to hơn dừa dâu, thường 8-12trái/tháng, đến khi dừa lão vẫn cho trái ổn định, gốc rễ chắc chắn, có thể chịu được gió bão. Nhóm dừa này thụ phấn chéo hoàn toàn nên trái cũng bị lai hoàn toàn.
- Giống dừa dâu thường có gốc nhỏ, khoảng 0,5-0,6m, thân nho khoảng 0,25m, cây cao 10-15m, tuổi thọ 35-45 năm, cho trái nhỏ hơn dừa ta, thường 12-15trái/tháng, nếu ít bón phân, thiếu chăm sóc, thiếu đất bồi dừa dâu có thể giảm năng suất. Khi lão dừa nhỏ đọt, lá ngắn, trống cổ. Nhóm dừa này (gần như nhóm trung gian giữa dừa cao và dừa lùn) vừa có thụ phấn chéo nhưng vừa có tự thụ phấn, khi ra trái vẫn cho trái giống bị lai, rõ ràng khi trồng ra từ một giống nhưng cho các cây trái màu xanh, màu vang..
 – Giống dừa lùn bao gồm dừa xiêm (xanh, đỏ, lục, núm); dừa ẻo (xanh, vàng); dừa Tam Quan; dừa Mã Lai, dừa dứa (loại trái nhỏ),… thường có đường kính gốc khoảng 0,35m, cây cao 10-12m, tuổi thọ 25-35 năm, trái nhỏ, thường 12-15trái/tháng. Nếu ít bón phân, thiếu chăm sóc, thiếu đất bồi nhóm dừa này cũng cho trái rất nhỏ, khi lão dừa nhỏ đọt, lá ngắn. Nhóm dừa này tự thụ phấn hoàn toàn nên rất ít khi bị lai.
 Ngoài ra, hiện có các giống dừa lai nhân tạo do Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng dừa Đồng Gò (xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, Bến Tre) sản xuất như:
- PB 121: Dừa lùn vàng Mã Lai x Cao Tây Phi.
- PB 141: Dừa lùn xanh Ghiné xích đạo x Cao Tây Phi.
- JVA 1 : Dừa lùn vàng Mã Lai x Cao Hijo.
- JVA 2  : Dừa lùn đỏ Mã Lai x Cao Hijo.
Các giống này cho trái 3-4 năm sau khi trồng, năng suất 100-150trái/cây/năm, cây thấp dễ thu hoạch, chịu hạn tốt, có khả năng kháng sâu bệnh.
 2.Cách chọn giống 
- Chọn cây dừa mẹ:
Tuổi cây mẹ: Giống dừa cao: Từ 15 – 30 năm. Giống dừa lùn: Từ 10 – 15 năm.
Năng suất: Dừa cao: Từ 70-100 trái/cây/năm; Dừa lùn: Từ 100-120 trái/cây/năm.
Thân phát triển bình thường, không dị dạng, sẹo lá khít, thân khỏe, mọc thẳng.
- Chọn trái giống:
Tuổi trái: Khi vỏ trái đã khô.
Trái giống đều đặn, không dị dạng, không bị sâu bệnh.
 3. Kỹ thuật trồng dừa
Cây dừa là loại cây ưa ánh sáng hoàn toàn. Nhìn vào ngọn cây thấy lá ra đến đâu thì có thể rễ ra khoảng đấy. Ngược lại, thấy rễ ra chung quanh gốc, ta biết lá vươn ra đến đâu. Do đó, dựa vao đặc điểm này mà xới đất bón phân, bồi bùn, bố trí khoảng cách trồng cây dừa hay trồng xen cho thích hợp.
Dân gian có câu “Trồng cây dừa đừng cho giao lá”. Khoảng cách và mật độ trồng tùy theo điều kiện đất đai và giống dừa. Đối với loại đất tốt, nhóm dừa cao trồng cách khoảng 8,5m – 9m. Dừa lùn cách khoảng 6 – 7m. Với loại đất xấu, nhóm dừa cao trồng 7 – 8m, dừa lùn 5 – 6m. Nếu trồng xen các loại cây khác thì khoảng cách có thể thưa hơn khoang 1m và cây trồng xen cách gốc dừa ít nhất là 2m.
 Phân bón cho dừa tùy thuộc vào giống dừa và loại đất, có trồng xen hay không, màu lá trên cây dừa xanh biếc hay đã ngã vàng, nhưng có thể áp dụng công thức như sau: Bón phân ít nhất mỗi năm 2 lần vào đầu và gần cuối mùa mưa. Có vài cách bón phân cho dừa. Thứ nhất, đào rãnh xung quanh gốc, cách gốc 1,5 – 2m, bón phân vào rãnh và lấp đất lại. Thứ hai là đào từ 10 – 12 lỗ xung quanh gốc, cách gốc 1,5 – 2m, sâu từ 10 – 15cm, bón phân xuống lỗ lấp đất lại. Ngoài ra, ta cũng có thể rải phân chung quanh gốc dừa sau đó bồi bùn vào đầu mưa.
Đối với những vùng đất cao nên tưới nước cho dừa vào mùa khô. Lúc cây mới trồng 1 – 2 tuổi, hằng tháng phải xịt thẳng vào đọt một lần thuốc trừ bọ cánh cứng hại dừa, nếu không chúng cắn phá gây thiệt hại, mất sức dừa, chậm lớn ở tuổi còn non.
4. Phòng trừ sâu hại cây dừa
*Biện pháp phòng trừ bọ cánh cứng
Bọ cánh cứng hay còn gọi bọ dừa, làm giảm sản lượng trái, làm chết khô từ 8 lá trở lên. Vì mỗi tàu lá, cho ra một buồng dừa. Những cây dừa bị bọ dừa tấn công nhiều năm thì gây ra hiện tượng trái rụng hàng loạt, cac lá non mới ra nhỏ và không phát triển, toàn bộ cây xơ xác và sau đó cây chết đi.
 *Biện pháp phòng chống bọ dừa.
- Biện pháp canh tác: Cắt và đốt bỏ đọt non bị hại nặng để tránh lây lan cho các cây dừa khác.
- Biện pháp sinh học:
  Dùng biện pháp thả ong ký sinh (Asecodes hispinarum) vừa đạt hiệu quả cao và bảo vệ môi sinh môi trường.
 Biện pháp sinh học dùng nấm (Metarhizium), biện pháp này có hiệu quả nhất là phòng chống vào mùa mưa có ẩm độ cao.
- Biện pháp hoá học:
Phát hiện sớm triệu chứng gây hại khi còn ở trong diện hẹp để tiến hành phun trừ ngay là biện pháp có hiệu quả và kinh tế. Sử dụng thuốc trị bọ cánh cứng như theo khuyến cáo trên nhãn của bao bì.
Theo Sở nông nghiệp An Giang 

Trồng cây ắc ó làm hàng rào

Cây ắc ó hay còn gọi là cây trâu cổ có tên khoa học là Acanthus integrifolius Tthuôc họ Ô rô Acanthaceae, cây ắc ó thuộc cây mọc hoang rất dễ trồng, dễ cắt tỉa tạo hình theo ý muốn gia chủ  hay làm thành hàng rào xanh trước nhà hay tạo các đường viền bồn hoa sân vườn.

1. Mô tả cây ắc ó

Cây ắc ó là cây bụi thân nhỏ có thể cao từ đến 2 mét, khi được cắt tỉa thường xuyên cây sẽ phân thành nhiều cành nhánh tạo tán lá dầy đặc.
cây ắc ó
cây ắc ó
Cây ắc ó xanh quanh năm, thân tròn không có lông, lá bóng có màu xanh đậm, mọc đối, hoa mọc ở nách lá có màu trắng, nếu giảm nước tưới mùa nắng gắt ( nhất là đầu mùa mưa) thì cây ắc ó sẽ có hoa. Cây ắc ó sống tốt nơi nhiều nắng hay nơi chỉ có nắng chiếu xiên.Nếu trồng cây ắc ó nơi râm mát cây sẽ ra lá to và ít phân cành do không đủ ánh sáng quang hợp.
Cây ắc ó có thể sống rất lâu mà không tốn nhiều công sức để chăm sóc mà chỉ cần duy trì cắt tỉa.

2. Nhân giống và chăm sóc cắt tỉa cây ắc ó

Cây ắc ó được nhân giống bằng cách giâm cành, cắt từng đoạn cành hom giống dài khoảng 18-20 cm, ghim hom giống trên vào nơi đất xốp và ẩm độ đầy đủ hoặc ghim ngay nơi dự tính trồng cây làm hàng rào, tưới nước duy trì độ ẩm sau khi trồng, nên tận dụng trồng cây vào mùa mưa. Khoảng 15-20 ngày cành hom giống ắc ó sẽ ra chồi lá mới, nếu thấy cành hom nào bị đen là xem như cành hom đó bị úng hay thiếu nước mà bị chết, cần phải nhổ bỏ trồng thay hom giống khác.
Cây ắc ó không kén đất, ít khi bị sâu bệnh tấn công, cây ắc ó sinh trưởng nhanh nơi đất có nhiều mùn và đủ nước tưới.Trường hợp trồng cây ắc ó nơi đất nghèo dinh dưỡng hay khô hạn thì cây chậm lớn và ít ra cành nhánh.
hàng rào ắc ó
hàng rào ắc ó
Để tạo hình cây ắc ó theo ý muốn thì cần phải cắt tỉa định kỳ để nâng dần chiều cao khung tán lá cây ắc ó theo ý muốn, nhớ cắt lúc thân cành còn màu xanh, tránh trường hợp để cây ắc ó mọc tự nhiên ra thân cành to đen rồi mới, lúc đó cành cây đã già sẽ chậm ra chồi thân hay cây mất nước lâu phục hồi.
Cây ắc ó trồng làm hàng rào có thể không tưới vào mùa mưa, nhưng khi nắng gắt nhớ tưới bổ sung để không làm cây chết do cây có nhiều cành nhánh dễ xảy ra tình trạng khô kiệt thiếu nước mà chết đen cả mảng thân cành làm xấu đi dãy hàng rào xanh.

Kỹ thuật trồng dưa gang


dưa gang
dưa gang

1. Yêu cầu sinh thái

Dưa gang đòi hỏi sinh trưởng và tạo quả ở điều kiện khí hậu khô, ấm áp và đầy đủ ánh sáng. Biên độ nhiệt tối thích là từ 18-28oC. Ở nhiệt độ dưới 12oC, dưa gang sẽ sinh trưởng kém và bị chết rét. Có thể trồng Dưa gang ở khu vực có độ cao 1000m so với mặt nước biển hoặc thấp hơn.
Dưa gang sinh trưởng tốt trên các loại đất có tầng mặt dày, giàu dinh dưỡng, thoát nước tốt. Có độ pH 6-7. Trong quá trình sinh trưởng, Dưa gang cần tưới nước rất ít hoặc nhỏ giọt.

2. Nhân giống và kỹ thuật trồng

Dưa gang được nhân giống chủ yếu bằng hạt. Đất cần cày bừa kĩ, làm sạch cỏ và lên luống. Cây được trồng theo khóm, mỗi khóm 2-3 hạt, sau đó phủ một lớp đất dày 2-3cm. Khi hạt nảy mầm sẽ tỉa thưa dần để lại những cây to khỏe. Dưa gang có thể được trồng theo rạch, cây cách cây 50-75cm và hàng c hàng 150-200cm. Mật độ trồng trong khoảng 10000-15000 cây/ha. Cũng có thể gieo hạt trong vườn ươm cho đến khi cây con được 4 tuần tuổi thì đưa ra trồng trên diện tích đại trà. Nếu gieo hạt trực tiếp trên đồng ruộng thì mỗi ha cần tới 1,5-2kg hạt giống nhưng nếu gieo bầu đất trước thì chỉ cần 0,5kg hạt giống cho 1ha.

3. Chăm sóc

Dưa gang thường được trồng trên các thửa ruộng cao sau khi đã thu hoạch lúa. Gieo trồng dưa gang luân canh với lúa nước thường trành được các mầm sâu bệnh và tuyến trùng gây hại đối với bầu bí. Sau khi gặt lúa, đất được cày phơi ải, bừa kĩ, làm sạch cỏ,lên luống trước khi trồng. Tùy theo độ phì và cấu tượng của đất mà chọn lựa các biện pháp bón phân thích hợp. Để cho 20 tấn quả, dưa gang đã lấy đi trong đất một lượng chất dinh dưỡng khá lớn gồm: 60-120kg Nitơ, 20-40kg P2O5, 120-140kg K2O, 100-140kg CaO và 20-60kg MgO.
Nhu cầu về phân bón với dưa gang rất cao, lượng phân hữu cơ bón lót cần từ 20-35tấn/ha. Trong quá trình sinh trưởng việc bổ sung thêm nước phân NPK loãng là rất cần thiết.
Ngoài ra, cần sử dụng rơm rạ để phủ quanh gốc cây và tỉa thưa bớt lá và quả (mỗi cây chỉ để lài 3-5 quả) là những biện pháp cần chú ý đối với người trồng dưa.

4. Sâu bệnh

Cũng như ở nhiều loài dưa khác, héo rũ là một loại bệnh rất nguy hại do nấm Fusarium oxysporum f.sp. melonis gầy ra. Để đối phó với các loại bệnh này cần chọn những giống dưa gang có tính chống bệnh khỏe. Bệnh bột trắng Sphaerothoca fuliginae và Erysiphe cichoracearum trên dưa gang có thể phòng trừ bằng các loại thuốc diệt nấm. Ngoài ra có thể trồng một số dòng lai F1 kháng nấm. Mốc lông tơ (pseudoperonospora cubensis) là bệnh rất nguy hiểm cho dưa gang ở những vùng khí hậu nóng ẩm. Với loại bệnh này, có thể sử dụng thuốc diệt nấm để phòng trừ. Bệnh rỉ dịch nhựa trên cây do Dydimella bryoniae gây ra trong điều kiện khí hậu nóng ẩm. Bệnh muội than Glomerella cingulata và bệnh đốm lá do Pseodomonas syringae cũng thường xuất hiện ở nhiều khu vực.
Ngoài ra còn có vi khuẩn gây thối rễ Erwinia tracheipilia tác nhân truyền bệnh là rệp, rầy và côn trùng.
Một số loại virut gây bệnh khác như virut trên bầu bí, virut trên dưa hấu, virut trên đu đủ và virut khảm vàng cùng do bọ chét Aphis gossipii mang đến cũng gây tác hại lớn với sinh trưởng và phát triển của dưa gang.
Trên các vùng đất trồng dưa gang còn thường gặp các loại bọ trĩ, bọ vắt, bọ chét, bướm ăn quả, bọ cánh cứng, sâu ăn lá và ruồi gây hại trên quả non. Ngoài ra còn gặp tuyến trùng ở rễ.
Biện pháp phòng tích cực là chọn các giống dưa gang có tính kháng bệnh khỏe, gieo trồng luân canh với lúa nước và xử lí đất bằng thuốc diệt nấm trước khi trồng.
Nguồn : Nông nghiệp Vĩnh Long