Sâu đục thân là một trong những loại sâu phổ biến và gây nhiều thiệt hại cho các vùng trồng mía. Nước ta hiện nay có 70 loài sâu đục thân hại mía khác nhau, trong đó có 5 loài quan trọng nhất là: sâu đục thân mình vàng, sâu đục thân mình hồng (thường gọi là bướm cú mèo), sâu đục thân mình trắng, sâu đục thân 4 vạch, sâu đục thân 5 vạch.
Thời gian qua, do mưa nhiều, nhiệt độ cao, các vùng nguyên liệu mía tập trung tại huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau, đã xuất hiện sâu đục thân gây hại, nhiều nơi ở mức độ cao. Nhưng phổ biến ở Thới Bình, Cà Mau là sâu đục thân mình hồng. Đây là loại sâu thường xuyên gây hại và làm ảnh hưởng không nhỏ đến phẩm chất cũng như năng suất mía của huyện.
1. Đặc điểm sinh học
Sâu đục thân mình hồng (thường gọi là bướm cú mèo).
Trong năm sâu phát sinh 5-6 đợt với vòng đời: trứng 5-6 ngày, sâu non 20-30 ngày, nhộng 8-10 ngày, trưởng thành 5-6 ngày. Con trưởng thành là loài bướm có kích thước nhỏ, hình dạng giống con cú mèo. Mỗi con cái đẻ ra khoảng 300 trứng.
Sâu non nở ra phá hại mía ở mầm là chính. Khi mới nở, chúng tập trung và gặm bên trong lá, khi 2-3 tuổi thì phân tán, từ bẹ lá đục vào ngọn và phá hại điểm sinh trưởng làm nõn mía bị héo và chết khô.
2. Biện pháp phòng trừ
- Biện pháp canh tác:
Nên sử dụng những hom giống khoẻ, đạt tiêu chuẩn, không có mầm mống sâu bệnh. Diệt trừ cây ký chủ, cỏ dại, vệ sinh đồng ruộng sau thu hoạch; sử dụng giống ít mẫn cảm với sâu hại như: DLM 24, R 570, My 55-14, K 84-200, ROC 16, VN 84-4137, VN 85-1427, VN 85-1859… Bón phân cân đối N-P-K
- Biện pháp thủ công:
Khi mía khoảng 2-3 tháng tuổi, lúc này đã có sâu đục thân, cần phải thường xuyên kiểm tra trên các bụi mía để tiêu diệt. Cây mía nào có dấu hiệu sâu chích thì phải đốn cả cây và tiêu diệt hết ổ để không bị lây lan.
Nếu không xử lý kịp thời các ổ sâu, sau khi nở nó sẽ lây lan ra từ 60-100 cây khác lân cận. Nhất là vào thời điểm sau khi đánh lá chân đến khi mía khoảng 5 tháng tuổi do mía rất non nên sâu rất nhạy. Nếu bị ngay thời điểm này mà không tiêu diệt thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng từ 10-20% năng suất.
- Biện pháp sinh học:
Sử dụng côn trùng như kiến, ong ký sinh lên trứng sâu đục thân để giảm tỷ lệ xâm nhiễm; bảo vệ thiên địch trên rẫy mía, tạo cân bằng sinh học có lợi cho cây.
- Biện pháp hoá học:
Trong phòng trị sâu đục thân trên cây mía không có loại thuốc đặc hiệu và có tác dụng lâu dài. Thường sử dụng các loại thuốc có hoạt chất Diazinon với tên thương mại như Basudin 5G, 10G, rải lúc đặt hom với lượng 30 kg/ha.
- Sử dụng thuốc trừ sâu:
Dùng các loại thuốc trừ sâu dạng hạt như Basudin 10G, Diazinon 10H, Diaphos 10C, Gà nòi 4C, Vicab 4H, Padan 4H… với lượng 20-30 kg/ha, rải vào rãnh mía, lấp đất mỏng rồi đặt hom giống hoặc rải vào luống sát gốc mía rồi vun.
Khi sâu non phát sinh, dùng một trong các loại thuốc sau pha với nước để phun phòng trừ 2-3 lần từ khi mía bắt đầu mọc mầm tới khi có 4-5 lóng với chu kỳ 15-20 ngày/lần: Padan 95SP, Supracide 40ND với lượng 0,8 kg/(lít)/ha hoặc Sumithion 50EC lượng 1-1,5 lít/ha.
Theo kinh nghiệm của bà con trồng mía ở Trí Lực (Thới Bình), sau khi thu hoạch xong tiến hành dọn vệ sinh đồng ruộng, cày rạch hàng 2 bên gốc mía, kết hợp trộn phân hữu cơ với thuốc trừ sâu dạng hạt bón sát gốc và lấp đất trở lại cho hiệu quả phòng ngừa sâu đục thân trong 4-5 tháng đầu rất tốt.
Các tháng tiếp theo cần theo dõi diễn biến phát sinh, phát triển của sâu để phun thuốc kịp thời ngay từ đầu, đặc biệt là diệt trưởng thành, trứng và sâu non mới nở sẽ cho hiệu quả cao.
Chú ý:
- Phải tuân theo nguyên tắc 4 đúng khi sử dụng thuốc BVTV.
- Không trộn các loại thuốc trừ sâu với phân hoá học khi bón thúc sẽ làm giảm hiệu lực của thuốc./.
Kỹ sư Đinh Xuân Hiệp-baocamau.com.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét