Hầu hết trên sân thượng nhà đô thị đều bị ánh sáng mặt trời chiếu cả ngày, ngoài việc dùng các vật liệu xây dựng để che chắn thì trồng cây che nắng cũng góp phần tạo nên cảnh quan và làm hạ nhiệt cho ngôi nhà.
Tùy vào hướng chính của sân thượng mà chọn cách trồng cây che nắng phù hợp, ngoài ra nếu sân thượng trên lầu cao còn phải chú ý đến yếu tố gió thổi với cường độ mạnh làm ảnh hưởng đến loài cây lựa chọn và an toàn cho mọi nhà xung quanh.
1.Tùy vào mục đích trồng cây của gia chủ mà chọn cây phù hợp
1.1 Trồng cây che nắng sân thượng bằng cách trồng cây leo thành giàn
Nếu gia chủ yêu thích trồng các loài cây vừa tạo bóng mát sân thượng vừa tranh thủ thu hoạch thì chọn trồng cây dây leo cho trái như chanh dây, gấc, thiên lý, bầu, dưa, mướp…kết hợp tạo giàn cho cây dây leo có thể bò phủ giàn và cho trái.Giàn cho cây leo có thể làm bằng khung sắt hay tầm vông cột kẽm hay lưới hoặc dây thép giăng…đảm bảo độ chắc chắn không bị gió thổi mạnh làm bay mất.
Nếu gia chủ không thích cây leo ăn trái thì nên chọn cây leo cho hoa đẹp như cây trang leo ( sử quân tử), dây ly ly, dây nho, cây cát đằng, cây móng rồng, ….hay chọn cách trồng cây leo chỉ cho lá xanh tạo cảnh quan sân vườn như thằn lằn Ấn Độ (loài cây trồng xung quanh Đầm Sen), hồ đằng, cây rễ hồng cho bộ rễ như màng, trầu bà…
1.2 Trồng dãy cây xanh che mát mảng tường bêtông
Đôi khi gia chủ chỉ muốn trồng cây xanh thành hàng như hàng cau vàng, hàng trúc xanh, trúc vàng, hàng mật cật…giúp giảm bớt bức xạ nhiệt và tạo hàng tường xanh cho sân thượng.
1.3 Trồng cây có hoa hương thơm, có trái
Chủ yếu là cây trồng trong chậu hay trong bồn như nguyệt quế, mai chiếu thủy, sứ Thái,cây ăn trái.Để chăm sóc cây trồng trong chậu nhớ lưu ý tưới nước và bón thêm phân định kỳ đầy đủ để cây có hoa có trái thường xuyên, vì cây trồng trong chậu bị giới hạn về dinh dưỡng bộ rễ cây mau bị hết dưỡng chất, cây dễ vàng lá còi cọc.
2 .Chú ý về xử lý thoát nước cho sân thượng khi trồng cây che nắng
Việc xử lý thoát nước và chống thấm cho sân thượng khi trồng cây che nắng đôi khi không được quan tâm, về lâu dài nước tưới cây sẽ thấm dần vào lớp bê tông bề mặt sàn sân thượng, làm giảm tuổi thọ của ngôi nhà.
Vì thế khi bắt đầu trồng cây che nắng sân thượng cần lưu ý việc thu thoát nước tưới và dùng thêm vật liệu như tấm nhựa để chống thấm nước vào sàn nhà, đối với cây trồng trong chậu phải dùng gạch kê cao đáy chậu chống úng cho cây.
3.Chú ý độ chiếu sáng của ánh nắng mặt trời và tưới nước để giúp cây quang hợp đầy đủ
Các loài cây che nắng sân thượng đều cần nhiều ánh sáng, từ đó cây mới cho nhiều hoa nhiều trái và ít bị sâu bệnh tấn công.
Trên sân thượng luôn luôn nắng chiếu gay gắt và gió nhiều làm cây trồng trên đó dễ bị thiếu nước, nhớ tưới chậm cho nước kịp thấm sâu bên dưới, và tưới thêm vào buổi chiều cho cây đủ ẩm.
Trường hợp trời mưa không được chủ quan bỏ tưới nước vì diện tích chậu hay bồn hoa khá nhỏ nên lượng nước mưa không đủ cung cấp cho cây trồng.
Nếu cây trồng trên sân thượng quá sum xuê, nhiều cành nhánh thì phải cắt tỉa bớt các nhánh vươn dài mọc lộn xộn để thu gọn tán cây, dùng dây cột cố định nhánh cây vào giàn đề phòng mưa to giá lớn gây gãy nhánh rơi xuống đất rất nguy hiểm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét