Một lần công tác ở thành phố Dedmol, Đức, ông Huỳnh Công Bằng, giám đốc công ty Thời Đại Xanh đứng trên ban công tầng 6 của một khách sạn nhìn xa xa bên dưới, trên mái vài căn nhà thấp cỏ cây hoa lá mọc xanh um, nhiều sắc màu thật đẹp mắt. Vốn máu nghề nghiệp, ông Bằng hỏi han mới hay rằng, chính chủ khách sạn này tài trợ chi phí cho các nhà tôn bên dưới trồng cây bụi trên mái “để khách ngụ tại đây cảm thấy cái đẹp, cái xanh từ mọi hướng”, ông giám đốc khách sạn nói vậy.
Ông Bằng ngạc nhiên đến tá hoả: “Mình không ngờ tầm nhìn của họ xa và rộng như vậy. Thật cảm phục!” Phải chăng cái màu kim khí của mái tôn nó lạnh, dưới ánh mặt trời còn ghê hơn – loá cả mắt. Bạn thử đứng đâu đó ngước nhìn hay ngó qua nóc nhà của phố phường Sài Gòn sẽ thấy, những bancông, những bình chứa nước inox, những mái vòm sắt thép… mà tê buốt cặp đồng tử. Làm tôi nhớ ở đầu thập niên 1980 của thế kỷ trước, khi tham gia lực lượng Thanh niên xung phong, ông bạn Phạm Hữu, nay là hoạ sĩ ở Bà Rịa – Vũng Tàu, buổi chiều cùng tôi vác cuốc lững thững ra về, đi phía sau có cô bạn cùng nông trường gợi ý: “Anh ơi, giặt đi rồi đưa em mạng lại cho, mông rách rồi, lòi cả quần đùi kìa!”. Ông Hữu đùa lạnh lùng: “Cám ơn em, ai nhìn phía sau thì ráng chịu, phía trước anh thấy lành lặn là tốt rồi!” Một ý nghĩ thật vô cảm (?). Không. Thuở đó, quần rách vá đùm vá chụp đầy đường và không vá cũng chẳng có sao! Ngay như thời nay người ta còn cạo cho rách, nhà sản xuất còn cà cho sờn mới nên… mốt. Ấy nhưng ngày nay, nhà cao cửa rộng, phố xá văn minh, mái nhà mà để “rách đít” e không ổn.
Để mái đầu xanh không bị… bạc
Bất luận nhà với hệ mái kiểu này, cọ kia, kiến trúc sư nặn óc “binh” nhà phố, tìm giải pháp, tạo công năng tốt nhất có thể cho nội – ngoại thất… Thì “cái mũ” trên cùng ngôi nhà đó cũng là thành viên chứ chẳng phải – nó ở trên cao không ai thấy! Và, nó còn là thành viên “đắc lực” nữa là đàng khác. Bởi ở đó, người ta có thể làm phòng dưới mái, làm chuồng cu che hệ cầu thang đi lên, làm kho, làm phòng thờ… Ôi đủ cả, nhưng đều cần được thể hiện đẹp, hữu ích. Công năng sử dụng tốt cho gia chủ đã đành, mà còn cần sạch đẹp cho phố phường, cho những người bâng quơ như tôi… nhìn ngắm.
Không khó để nhận ra rằng: từ việc xây cái bồn hoa nhỏ trước các ban công – thấy lẻ loi; nhà khác xây 2 bồn đưa về 2 phía cho cân đối – thấy có đôi, hay hay; nhà mới hơn, xây suốt luôn một dãy bồn ngang mặt tiền cho tất cả các tầng, hoa lá lên cao hay tua tủa rũ xuống bằng thích – mặt tiền đẹp, có mảng xanh. Vậy rồi, ở trong nhà không cảm thụ được bao nhiêu cái nỗ lực đẹp đó của chính mình mà cái sân thượng thì trống trơn, lỉnh kỉnh nào cuốc xẻng, thau hũ… Thôi thì mua vài chậu kiểng về đặt ở đó điểm xuyết cho mát mắt – làm như một cái vườn vọng nguyệt mini. Một thời gian thấy chán với điệp khúc muôn thuở – bận bịu với cuộc sống; cây cỏ èo uột héo úa. Nói như kiến trúc sư Nguyễn Văn Châu, giám đốc công ty Tỷ Lệ Vàng, “Cư dân phố thị mấy ai có thói quen chăm sóc vườn kiểng, ngoại trừ những người lớn tuổi; tác dụng tinh thần cũng như công năng làm tươi mát ngôi nhà ít người quan tâm mà vườn ngày một… lụi tàn!” Từ đó, cho đến giờ bồn hoa trước mặt tiền nhà phố vẫn thấy đầy rẫy, có cái cũng xanh tươi hoa lá nhưng không ít bồn èo uột và cả có bồn trống trơ làm cái… gạt tàn thuốc! Người có sự yêu thích, không chỉ cây kiểng, họ còn chăm trồng cả vườn cây quả, lá rau sạch để ăn, vừa xanh mát vừa khỏi ra chợ mua đụng rau củ Trung Quốc toàn chất bảo quản, thuốc trừ sâu. Nhưng với tôi vậy vẫn chưa đủ, bởi bao lần lên sân thượng đầy kiểng nhà ông bạn Đặng Anh ở Nguyễn Kiệm trà dư tửu hậu, ông nói, “Ngó vậy chớ chơi kiểng ở đây tôi vẫn thấy xa lạ ông ạ, thiếu sự thân thiện; vì nó cứng quá!”. Tôi tán đồng, tham gia: nó vẫn có gì đó thiếu sự tự nhiên vốn có của cỏ cây, nó phải được trồng trong đất; có đất đó, nhưng bị gò bó trong cái chậu sành – vẫn là ràng buộc! Có dịp bạn đi đường mới mở, đoạn từ sân bay Cam Ranh ra Nha Trang cặp mé biển, có một khu du lịch hoành tráng, dài lê thê theo bờ biển với hàng rào cây xanh thật mát. Nhưng đau thay, sát hàng rào này, cứ cách nhau chừng 5m họ cẩu về những tảng đá núi cao khoảng 1,5m dựng ở đó một cách trơ trẽn. Bởi đá phải mọc từ lòng đất. Cũng như cây cỏ, đá phải ghim xuống đất mới trồi lên. Điều này, ở Nhật có những vườn đá tảng đã thể hiện như vậy mà nhà văn Hy Lạp Nikos Kazantzakis từng đề cập đến.
Sống trong vườn chớ không chỉ để nhìn ngắm
Từ những suy nghĩ đó, KS Nguyễn Văn Đực đã dẫn tôi đi tham quan những căn nhà của ông thi công, có cái ông vừa thiết kế vừa thi công luôn. Ở đó, “tôi lấy độc trị độc”, KS Đực nói thêm, chống thấm là căn bệnh ung thư của ngành xây dựng nên lấy nước để chống thấm! Ra rằng, những công trình ấy, trên sân thượng ông đặt những đường gạch làm gối, trên gối kê các tấm đan có đục lỗ làm thành một cái sàn. Rồi trải sỏi, cát và đất lên trồng cây cỏ – tạo thành một sân vườn – trông tự nhiên, không chậu bình gì hết. KS Đực cho biết, nước sẽ thoát xuống sàn chính ngôi nhà, luôn luôn làm mát nên cốt liệu không bị co nhót, không gây nứt. Và những ngôi nhà này “đã xây trong hơn 15 năm qua mà vẫn không bị thấm dột”, KS Đực khẳng định. Ngoài ra, ông còn thiết kế phòng giặt nhỏ ngay trên sàn này để cho nước thải tuôn luôn xuống sàn chính, phụ lực làm mát.
Sao ông không sử dụng vào công năng khác mà làm vườn? – Công năng khác đã tính đủ trong ngôi nhà và bị khống chế bởi cao độ xây dựng nên thiết kế vườn trong nhà phố vốn chật hẹp ở đây là hợp lý; “một công mà hai việc – vừa chống thấm vừa có chỗ chơi!”, KS Đực nói. Thì ra, nhà phố không vườn tược trước sau, đất hiếm đến ngã giá từng nén vàng mà bèn “bứng” vườn lên sân thượng! Một cách chơi, một cách sống hay một cách nhìn về cộng đồng? – Cả ba. Khi đó gia đình sẽ sống, sinh hoạt thực sự trong mảnh vườn thượng đó chớ không phải cây kiểng để ngắm nhìn.
Trên là nỗ lực của KS Đực để vừa trị “ung thư” vừa có chỗ “chơi” cách nay khoảng hai thập niên. Giờ thì không phải chịu tải nặng và thủ công như vậy nữa, thị trường đã hội đủ những sản phẩm chuyên dụng thực hiện sân vườn cây hoa lá cỏ trên mái bằng, mái tôn, mái vòm…; trên bãi cho xe đậu, bờ kè, vỉa hè… Đó là bề mặt, còn với tường đứng cũng có hệ thống ứng dụng trồng cây xanh che chắn, tạo cảnh quan. Qua tìm hiểu các hệ thống trồng cây cỏ trên công trình phố thị mà ở nhiều nước trên thế giới đã ứng dụng, ông Công Bằng cho biết, trước đây, chính phủ Singapore đã tài trợ cho các công ty nghiên cứu sản xuất những sản phẩm thiết dụng để xanh hoá phố thị bằng 50% giá trị phủ xanh nhà dân đại trà. Nay cũng hỗ trợ 50% trị giá nhưng thực hiện trên các công trình công cộng. Tại Việt Nam, các sản phẩm của hệ thống nêu trên đã ứng dụng nhiều công trình như công trình thoát nước cho sân vận động Long An 1.500m2, công trình Azura Vinacapital, Đà Nẵng 600m2, công trình Riverpark Residence, Phú Mỹ Hưng 700m2 mái sân vườn trồng cây cỏ trên lầu 3… Và giá để lắp đặt các tấm vỉ hay khay trồng cây cỏ trên các dạng mái “chỉ ngang giá tiền lát gạch men trong nước”, ông Bằng nói.
Chỉ có điều, con người đã tàn phá rừng đưa đến quá nhiều tác hại cho môi trường, ở đó làm mất đi lá phổi thiên nhiên. Nay con người có thờ ơ, quay lưng lại với những mảng xanh đáng có trong ngôi nhà của chính họ?
Bài và Minh họa: NGUYỄN TÂM- Kiến trúc & Đời sống
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét