Nhóm ba sinh viên Đại học Kiến trúc TP.HCM gồm Đào Y Kha, Cao Đăng Khoa, Tôn Thất Phu Trí đã hoàn thành dự án “Thùng rác sinh học” giúp người nông dân có thể xử lý, tận dụng rác thải từ cây thanh long để sinh lợi và bảo vệ môi trường.
Tỉnh Bình Thuận được xem là “thủ phủ” thanh long của cả nước với diện tích trồng lên đến 19.000ha, mỗi năm thu hoạch hơn 130.000 tấn quả và có đến 30.000 tấn được xuất khẩu. Cây thanh long có giá trị kinh tế cao, mang lại thu nhập lớn cho nông dân ở đây.
Để loại cây này cho năng suất cao, một tiêu chuẩn bắt buộc là vườn cây phải luôn sạch sẽ, rác thải luôn phải được dọn sạch. Thế nhưng, phần đông nông dân gần như không ý thức được điều này.
Đăng Khoa cho biết: “Phần lớn nông dân trồng thanh long có thói quen vứt dây thanh long sau khi cắt ngay trong vườn để khi chúng hoai mục sẽ biến thành phân hữu cơ bón ngược lại cho cây. Làm như vậy vừa mất vệ sinh, vừa gây ô nhiễm môi trường vì dây thanh long khi phân hủy có mùi rất kinh khủng. Ngoài ra, trong dây thanh long luôn chứa rất nhiều mầm bệnh, sau khi hoai mục, biến thành phân, thấm xuống đất và truyền ngược bệnh cho cây rất nguy hiểm”.
Khảo sát tại vùng Hàm Thuận Bắc, cả nhóm nhận thấy rất nhiều hộ có thêm nghề nuôi trùn quế. Loại trùn này dùng làm thức ăn cho gia cầm, mang lại hiệu quả kinh tế cao, phân trùn bón cho cây trồng rất tốt.
Từ khảo sát đó, ba chàng sinh viên quyết định tiến hành mô hình “Thùng rác sinh học” vừa nuôi được giun, vừa tận dụng các loại dây thanh long vứt bỏ, cỏ, rác hữu cơ… làm thức ăn cho giun.
“Thùng rác sinh học” được thiết kế hình chữ nhật, gồm hai ngăn ghép đối xứng, kích thước 1,2m x 40cm, cao 1,2m, có thể chứa 200kg rác hữu cơ, bên trong có nhiều khay gỗ nghiêng 15 độ để dễ dàn đều rác.
Ngoài ra, thùng còn được thiết kế thêm các loại lưới thép ngăn cách để giun có thể di chuyển qua lại giữa hai thùng, tấm nhôm đục lỗ và hệ thống đèn chiếu sáng.
Hỗn hợp hữu cơ gồm cỏ và dây thanh long cắt nhỏ qua 3 – 4 ngày ủ hoai và sinh khối giun được bỏ vào thùng. Cứ sau một tuần, khi lớp thức ăn đã được giun “xử” hết lại bỏ thêm hỗn hợp hữu cơ vào. Trung bình một tháng “Thùng rác sinh học” sẽ giải quyết 100kg rác hữu cơ.
Sau 4 tháng, lợi nhuận thu được trên mỗi thùng là gần 5 triệu đồng. Giun thịt thu được sẽ được dùng trực tiếp hoặc sấy khô dùng làm thức ăn cho gia cầm. Phân giun có hàm lượng dinh dưỡng cho cây trồng rất cao sẽ tái sử dụng cho thanh long.
Làm xong thùng, nhóm mang đến thử nghiệm tại vườn của ông Ngọc Bình, trưởng nhóm trồng thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP tại Hàm Thuận Bắc.
Theo nhóm tìm hiểu, mô hình này có thể áp dụng cho các vùng ngoại thành TP.HCM như Hóc Môn, Củ Chi có nghề trồng rau xanh, hoặc Long An, Tiền Giang là các tỉnh có diện tích thanh long nhiều nhất miền Tây.
Với sáng tạo này, nhóm của Kha đoạt giải đặc biệt Holcim Prize trị giá 70 triệu đồng và 200 triệu đồng hỗ trợ triển khai thực tế dự án cho các hộ nông dân tại Bình Thuận.
Theo Lạc Lâm -doanhnhansaigon.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét