Cây Ớt là cây gia vị dễ trồng tại nhà, Ớt có nhiều giống bao gồm Ớt Sừng Trâu, Ớt Chỉ Thiên, Ớt Búng, Ớt Hiểm …Ớt cho trái quanh năm, thời gian trồng đến khi thu hái trái từ 75-85 ngày.
Cây Ớt thích hợp đất thoát nước tốt, trường hợp trồng Ớt trong chậu tại nhà cần lưu ý kê đáy chậu để không ứ nước và hơi nóng sàn bê tông ảnh hưởng bộ rễ cây.Khi cây Ớt có từ 4-5 cặp lá thì đưa chậu cây Ớt nơi có nhiều ánh nắng nhất là nắng buổi sáng đến trưa, lưu ý bón phân định kỳ luân phiên có hàm lượng phốt pho cao như super Lân, DAP, NPK 16.16.8, phân Dơi, phân bón lá 20.20.20… trái Ớt sẽ có vị cay hơn.
1. Các trường hợp sâu hại thường gặp trên cây Ớt:
1.1 Sâu ăn lá : là những loài sâu xanh, sâu khoang, sâu xám cắn lá hay sâu đục quả.Dùng thuốc BVTV như Secsaigon, Abamectin, Trebon, Actara, Karate…để phun phòng và trừ.
1.2 Rầy mềm, rệp muội : sống tập trung ở đọt non và mặt dưới của lá non, chích hút nhựa làm đọt non chùng lại, lá quăn queo, từ từ úa vàng, cây không phát triển, Sử dụng thuốc Bassan, Actara,…để xử lý, có thể pha chung với nước rửa chén Mỹ Hảo liều 1cc/ 1 lít nước tăng bám dính cho thuốc.
2. Các bệnh trên cây Ớt:
2.1 Bệnh héo xanh chết cây: do vi khuẩn Pseudomonas solanacearum, nấm Fusarium oxysporum, F. lycopersici, Sclerotium sp gây ra.
Biểu hiện: cây đang xanh tốt bỗng nhiên chiều ra thăm đồng thấy cây bị héo nhưng sáng hôm sau ra lại tươi cứ như vậy 2-3 ngày thì chết hẳn, nhổ cây bị bệnh lên không thấy thân cây có biểu hiện gì của bệnh. Hiện nay chưa có thuốc đặc trị, nhổ cây bệnh gom vào đốt và lấy vôi bột xử lý đất trồng, dùng thuốc Kasuran, Kasumin, Starner, Ridomil, Score… để phòng bệnh.
2.2 Bệnh vàng lá ,đốm lá, thối lá ( thán thư) : do nấm gây ra , dùng thuốc BVTV như Score 250EC, Carbenzim, Antracol, Ridomil, Antracol… để trị bệnh.
2.3 Bệnh thối quả, rụng quả: Cần bón phân cân đối, bổ sung phân vi lượng, phân bón lá dưỡng trái để giúp chống rụng trái, cắt bỏ và thu dọn cành lá khô bệnh và phun thuốc phòng bệnh như Man Cozeb, Benlat C, Tilt.
Lưu ý quan trọng :
- Thường xuyên theo dõi kiểm tra sâu bệnh trên cây Ớt để kịp thời phun thuốc BVTV phòng trừ.Nếu cây Ớt bị bệnh do vi khuẩn thì tốt nhất là nhổ bỏ và cách ly nguồn tránh lây lan.
- Khi sử dụng thuốc BVTV nên dùng liều lượng và cách ly theo khuyến cáo nhà sản xuất, pha chung với Vitamin B1, phân bón lá 20.20.20 để tăng sức đề kháng cho cây Ớt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét