Theo tính toán của một nông dân, với mỗi sào măng tây xanh cho thu hoạch 2 kg/ngày thì 7 sào măng của ông thu gần 2 triệu đồng/ngày.
Điều kiện thổ nhưỡng vùng đất bãi ở xã Hồng Thái, huyện Phú Xuyên (Hà Nội) rất phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển của giống măng tây xanh…
“Đầu năm 2013, huyện đã tổ chức cho cán bộ xã Hồng Thái đi học kỹ thuật trồng măng tây xanh. Dù được hỗ trợ vốn, người dân vẫn e dè lo ngại giống cây này có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng đất canh tác cũng như hiệu quả mang lại, vì vậy cán bộ xã Hồng Thái đã tiên phong trồng thí điểm để bà con thấy lợi nhuận làm theo. Đến thời điểm này, cây măng tây xanh đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt”, ông Tạ Đình Căn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hồng Thái, người mạnh dạn trồng măng tây xanh chia sẻ.
Trên tổng diện tích rộng 4,5 ha thuộc khu trang trại tổng hợp của gia đình mình ở thôn Duyên Trang, ông Căn đã quy hoạch 7 sào để trồng cây măng tây xanh. Theo ông Căn, cây măng tây xanh trồng không quá phức tạp, sau khi ươm giống trong bầu khoảng 3 tháng thì bắt đầu mang ra vườn trồng. Trước khi trồng, phải lên luống 30 cm, bón lót bằng phân chuồng hoai mục; mỗi hốc trồng 1 cây, khoảng cách giữa cây với cây là 40 – 50 cm, hàng cách hàng 70 – 80 cm; có thể trồng từ 550 – 700 gốc/sào. Trên diện tích 7 sào trồng măng tây xanh của gia đình, ông trồng được 3.500 gốc.
Khác với các loại rau màu khác, măng tây xanh là giống cây không ưa thuốc BVTV, bệnh chủ yếu là bệnh nấm mốc, khi cây bị bệnh chỉ cần rắc vôi bột chứ không phun thuốc. Măng tây xanh có thân mỏng manh, vì vậy khi cây cao chừng 40 cm phải cắm cọc để cây khỏi đổ ngã. Khi nảy nhiều cây con, chọn những cây to khỏe và loại bỏ cây già yếu. Tuy là loại cây dễ trồng nhưng phải có điều kiện nước tưới vào mùa nắng và thoát nước vào mùa mưa. Vào mùa nắng, mỗi ngày phải tưới cho cây 1 lần vào sáng sớm hoặc chiều muộn, tránh tưới lúc trưa nắng.
Sản phẩm thu hoạch là những thân cây non. Một lần trồng cho thu hoạch 10 năm, thậm chí 15 năm nếu chăm sóc tốt. Sau 6 tháng trồng là có thể thu hoạch, năng suất năm đầu tiên đạt 2 kg/sào/ngày, từ năm thứ 4 trở đi có thể thu trên 5 kg/sào/ngày. Với giá bán 80.000 – 100.000 đ/kg như hiện nay, cây trồng này đang mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người nông dân.
Theo tính toán của ông Căn, với mỗi sào măng tây xanh cho thu hoạch 2 kg/ngày thì 7 sào măng của ông thu gần 2 triệu đồng/ngày. Chưa kể năng suất thu hoạch sẽ tăng lên mỗi năm, lợi nhuận thu được từ giống “rau vua” này không hề nhỏ. So với trồng lúa và các loại cây trồng khác, hiệu quả kinh tế từ măng tây xanh là rất lớn, trong khi chi phí không đáng kể, chỉ cần thu hoạch một vụ là thu hồi vốn.
Tuy măng tây xanh có thể cho thu ròng cả năm nhưng ông Căn chỉ thu hoạch từ tháng 2 đến tháng 11 dương lịch, còn lại để cho cây “hồi sức”.
Thử nghiệm thành công và nhận thấy hiệu quả kinh tế rõ rệt mà cây măng tây xanh mang lại, người dân Hồng Thái đang bắt đầu chuyển hướng đầu tư vào giống cây này. Ông Căn cho biết: “Hiện nay xã đã mở rộng mô hình trồng măng tây xanh ngoài vùng đất bãi ven sông với diện tích 7 mẫu. Trong tương lai, xã có chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển măng tây xanh trở thành giống cây trồng mũi nhọn. Sản phẩm măng tây xanh Hồng Thái sẽ được nhiều người biết đến.
Măng tây xanh tuy dễ trồng, vốn đầu tư không lớn nhưng không phải nơi nào cũng trồng được vì cây rất mẫn cảm với đất trồng. Điều kiện thổ nhưỡng ở Hồng Thái rất phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển của măng tây xanh”.
Đây là loài cây sống lâu năm, mọc thành khóm, có nhiều rễ thân cứng, cành mảnh. Là loại rau cao cấp vì hàm lượng dinh dưỡng cao gồm 2,2% protein, đường 2,2%, chất xơ 2,3% và nhiều khoáng chất như kali, magie, canxi, sắt, kẽm, đồng, photpho. Ngoài ra còn chứa nhiều vitamin quan trọng như K, C, A, B6, B2, B1…Đặc biệt, măng tây xanh còn giàu dược tính, có tác dụng lợi tiểu, chữa táo bón, chống lão hóa, chống béo phì, làm giàu sữa mẹ, làm giảm lượng cholesterol trong máu, giúp ổn định huyết áp.
Nguồn : Nongnghiep.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét