Trồng hoa quanh ruộng lúa được đánh giá là “công nghệ sinh thái” bền vững trong canh tác lúa, giúp nông dân giảm chi phí sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo năng suất lúa và tăng lợi nhuận. Điều đáng lưu ý với công nghệ này là môi trường sinh thái được phục hồi, thu hút thiên địch có lợi, giảm ô nhiễm môi trường và hạn chế độc hại cho người sản xuất…
Trong giai đoạn rầy nâu còn hoành hành tại ĐBSCL, khi công tác chống dịch sử dụng nhiều thuốc hóa học tốn kém thì Viện lúa quốc tế IRRI phối hợp Trung tâm bảo vệ thực vật phía Nam, Trường đại học Cần Thơ, Viện khoa học nông nghiệp miền Nam… thử nghiệm mô hình “Cộng đồng sử dụng công nghệ sinh thái để quản lý rầy nâu và bệnh virus trên cây lúa” tại hai huyện Cai Lậy và Cái Bè (Tiền Giang). Mô hình này gồm trồng các loài hoa dại trên bờ ruộng dẫn dụ các loài thiên địch nhằm khống chế côn trùng gây hại, giữ cân bằng hệ sinh thái ruộng lúa. Ban đầu, nhiều nông dân còn nghi ngờ vì “cây hoa không thể thay được thuốc trừ sâu”, tuy nhiên, kết quả năm đó cho thấy mỗi hecta nông dân tiết kiệm tới 400.000 đồng tiền thuốc phòng trừ sâu rầy và 100.000 đồng tiền thuê công phun thuốc. Dù giảm được 4 – 5 lần phun thuốc trừ sâu rầy nhưng năng suất lúa vẫn đạt cao, tăng từ 0,5 – 1 tấn/ha so với canh tác bình thường, đạt trung bình 7 – 8 tấn.
Chi cục BVTV Tiền Giang cho biết, ruộng trong mô hình có mật số và số loài các loại thiên địch về trú ngụ rất cao so với ruộng đối chứng. Mật số rầy nâu xuất hiện thấp, tỷ lệ bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá giảm đáng kể, nông dân tham gia trong mô hình trong suốt vụ từ gieo sạ đến thu hoạch hoàn toàn không sử dụng thuốc trừ sâu rầy (chỉ sử dụng thuốc trừ bệnh 2 lần/vụ), năng suất giữa trong và ngoài mô hình gần như bằng nhau.
Tại buổi sơ kết mô hình này do Trung tâm bảo vệ thực vật phía Nam phối hợp với chuyên gia Viện nghiên cứu lúa quốc tế – IRRI tổ chức, TS. KL. Heong (IRRI) cảnh báo, Việt Nam là nước nhập khẩu rất nhiều thuốc trừ sâu, điều này mang đến nhiều nguy hiểm. Nhà sản xuất, phân phối thuốc BVTV khuyến cáo nông dân sử dụng quá nhiều thuốc bằng chính sách quà tặng, khuyến mãi… Nếu dùng nhiều thuốc trừ sâu, cây lúa không được bảo vệ tự nhiên, thiên địch có lợi biến mất, tăng áp lực sâu bệnh. Áp dụng đa dạng sinh học giúp bảo vệ cây lúa, bảo vệ thiên địch có lợi, giúp cây lúa thụ phấn tốt. Theo TS. Hồ Văn Chiến, giám đốc Trung tâm bảo vệ thực vật phía Nam, mô hình này phù hợp với việc phát triển nền nông nghiệp bền vững, mang lại 3 lợi ích (giảm chi phí, tăng hiệu quả; không ô nhiễm môi trường; cảnh quan đồng ruộng đẹp, cân bằng sinh thái). Nông dân giảm rất nhiều thuốc BVTV, thậm chí có mô hình không cần phun thuốc.
2. Cần nhân rộng
Nhờ hiệu quả cao, đến nay tỉnh Tiền Giang đã nhân rộng mô hình này trên phạm vi toàn tỉnh với 105 điểm, tổng cộng 1.982 ha. Nông dân tham gia trong mô hình đã tiết kiệm được từ 1,9 – 2,5 triệu đồng/ha/vụ, nếu tính trên 1 ha sản xuất 3 vụ lúa/năm thì nông dân đã tiết kiệm được từ 5,7 – 7,5 triệu đồng. Quan trọng hơn, mô hình đã giúp nông dân thay đổi dần tập quán sản xuất theo lối truyền thống, hạn chế một lượng hóa chất BVTV đáng kể để phun rải xuống đồng ruộng (từ 30 – 37,5 kg (lít)/ha/năm, tức 1,67 – 2,08 kg/lần phun x 3 vụ/năm), từ đó giúp cho hệ sinh thái ruộng lúa phần nào đã trở về được trạng thái cân bằng. Việc trồng hoa trên bờ ruộng vừa tạo vẻ mỹ quan, vừa dẫn dụ được các loài thiên địch đến trú ngụ để khống chế một số dịch hại chủ yếu trên ruộng lúa.
Chi cục BVTV Tiền Giang và An Giang cho rằng, hiệu quả được khẳng định từ mô hình sinh thái này, tuy nhiên, khó khăn hiện nay khiến nông dân chưa áp dụng rộng rãi là do các bờ đê đa số còn quá nhỏ không thuận tiện để bố trí trồng hoa, dễ làm cho hoa chết. Thiếu nước cho hoa nên khó nhân rộng, việc xác định thời gian ra hoa từng loại chưa thích hợp. Giống hoa sẽ mất đi ở vùng lúa ngập lũ, tốn công trồng lại vụ sau. Một số hộ nông dân chưa thấy hết được lợi ích của việc trồng hoa, chưa tích cực tham gia cùng thực hiện cũng như xây dựng mô hình. Theo Chi cục BVTV Tiền Giang, việc bảo tồn các giống hoa đã trồng gặp nhiều khó khăn trong những tháng nắng hạn hoặc xâm nhập mặn. Nông dân còn tập quán sản xuất cũ, ít hoặc không chăm sóc hoa đã trồng, còn có thói quen phun thuốc diệt cỏ bờ hoặc sử dụng thuốc cỏ hậu nảy mầm làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của các loài hoa đã trồng…
Cục trưởng Cục BVTV Nguyễn Xuân Hồng thừa nhận rằng, các địa phương cần tổng hợp lại mô hình, đề xuất đây là tiến bộ kỹ thuật cần áp dụng, phổ biến rộng cho hệ thống khuyến nông, giảm bớt và loại bỏ dần thuốc BVTV có hại cho sức khỏe và môi trường.
Theo báo Khoa học phổ thông
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét