Hiện nay, sản xuất rau an toàn đang được áp dụng rộng rãi trong việc trồng rau cung ứng ra thị trường. Rau an toàn đã trở thành một sản phẩm khá quen thuộc đối với người nông dân trồng rau và người tiêu dùng của Thành phố.Và một trong những giải pháp để mở rộng diện tích trồng rau an toàn là việc canh tác rau trong nhà lưới. Tuy nhiên việc canh tác này có một số đặc điểm và yêu cầu khác biệt so với trồng ngoài đồng ruộng.
Việc trồng rau trong nhà lưới, nhà kính đã được thế giới áp dụng từ lâu, nhất là các nước ôn đới với việc trồng rau trong nhà kính để tạo ra điều kiện nhiệt độ thích hợp với sinh trưởng của cây rau. Đối với nước ta kỹ thuậttrồng rau trong nhà lưới mới được phổ biến rộng rãi mấy năm gần đây.Việc trồng rau trong nhà lưới có một số đặc điểm sau:
1. Lợi ích của việc trồng rau an toàn trong nhà lưới
Nhờ hệ thống lưới bao quanh nên cản trở được côn trùng xâm nhập nên hạn chế được việc phá hoại của chúng, dẫn đến việc giảm tối đa sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Do đó trồng rau dễ dàng đạt tiêu chuẩn an toàn và giá thành hạ, công chăm sóc giảm. Việc trồng rau ăn lá rất thích hợp với điều kiện nhà lưới do thời gian sinh trưởng ngắn, hệ số quay vòng nhanh, chăm sóc, bón phân đầy đủ năng suất rất cao dẫn đến hiệu quả cao. Về mùa mưa do có lưới che nên khi mưa xuống lưới sẽ cản trở tốc độ rơi của mưa, lá rau ít bị rách lá, nổ lá. Mặt khác trong nhà lưới nếu được đầu tư hệ thống tưới phun tự động sẽ giảm đáng kể công lao động.
2. Hạn chế của nhà lưới khi trồng rau an toàn
Tuy nhiên do điều kiện thời tiết nắng nóng, nhất là về mùa khô nên nhiệt độ trong nhà lưới nếu không được thông gió tốt có thể cao hơn nhiệt độ bên ngoài từ 1 – 2oC nên sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng của cây rau trồng. Nhưng có thể khắc phục nhược điểm này bằng hệ thống phun mưa trong nhà lưới sẽ giảm bớt nhiệt độ vào thời điểm nắng nóng nhất như buổi trưa. Một vấn đề nữa là trồng rau trong nhà lưới do diện tích hạn chế, từ 500 – 1000 m2/nhà lưới nên phải tính toán chế độ luân canh thật tốt, nếu không sẽ dễ dàng phát sinh nấm bệnh. Như các bệnh héo rũ, lỡ cổ rễ trên rau cải, phấn trắng trên rau muống… Do đó vẫn phải dùng thuốc trừ bệnh và phải tăng cường tối đa bón các loại phân hữu cơ vi sinh, nhất là loại phân có phối trộn các phụ gia làm giảm mức độ sâu bệnh như phối trộn thêm chủng nấm Trichoderma… Trong nhà lưới tuy hạn chế được côn trùng, bướm từ nơi khác xâm nhập nhưng lại chưa hạn chế được một số côn trùng có sẵn trong đất như bọ nhảy hại rau cải. Do đó cần xử lý đất thật tốt trước khi trồng và sau mỗi lứa cắt. Do chí phí đầu tư nhà lưới khá cao, kể cả hệ thống tưới phun nên bà con nông dân còn ngần ngại đầu tư và chỉ nên trồng rau ăn lá mới mau thu hồi vốn do vòng quay nhanh. Rau ăn trái không thích hợp trồng trong nhà lưới do thời gian sinh trưởng dài, mặt khác hạn chế côn trùng thụ phấn tự do nên dẫn tới tỷ lệ đậu trái, năng suất giảm. Chính vì vậy việc mở rộng diện tích trồng rau trong nhà lưới vẫn còn có hạn chế.
Cho đến nay việc lựa chọn kiểu nhà lưới nào phù hợp nhất thì còn đang được xem xét đánh giá. Thông thường nhà lưới có dạng hai mái, dạng mái bằng, tuỳ theo mức độ đầu tư có thể dùng trụ chống là trụ bê tông hoặc trụ bằng sắt. Các thanh đà ngang có thể dùng bằng dây thép, khung sắt, thậm chí dùng tre tầm vông để giảm chi phí. Lưới bọc xung quanh có thể kín toàn bộ hoặc hở một phần trên mái để thông gió. Trên mái dùng lưới màu trắng hoặc màu xanh thì để giảm bớt mức độc chiếu sáng. Tất cả các kiểu nhà lưới đang được xây dựng đều có những ưu nhược điểm riêng cần được sự xem xét kỹ lưỡng.
Theo TS. Dương Hoa Xô
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét