Đu đủ là loại cây ăn trái dễ trồng, mau lớn, cho nhiều trái và có hiệu quả kinh tế cao. Đu đủ trồng chủ yếu bằng hạt, vì nhanh, rẻ và tiện lợi. Vì thế, để có một vườn đu đủ trái dài, năng suất cao, đòi hỏi người trồng đu đủ phải quan tâm chăm sóc ngay từ khi gieo hạt. Chọn quả đu đủ to đều vừa chín ửng, bổ ra lấy hạt dùng rổ đãi chọn những hạt chắc phơi qua một nắng rồi đưa đi ươm. Khi hạt nảy mầm, cho vào bầu ươm 30 ngày cho cây cao khoảng 15 cm là đưa ra trồng.
Thông thường, cây được trồng thẳng đứng, nhưng qua thực tế theo cách này cây chỉ phát triển nhanh về chiều cao, mà lại chậm ra trái, nếu gặp mưa lớn dễ đổ ngã. Nếu khi trồng đặt bầu giống nằm dọc để thân đu đủ nằm nghiêng so với mặt đất 45 độ, mật độ vừa phải, khoảng 300 cây/sào là vừa, với cách trồng này, hạn chế cây phát triển chiều cao, trong khi bộ rễ khỏe và gốc cây to, chắc. Khi đu đủ ra trái gặp lúc trời mưa, gió vẫn không đổ ngã.
Hơn nữa, khi mới trồng nên đào hố sâu, rộng, bón lót cho từ 0,5-1kg/1 gốc phân chuồng hoai mục, sang tháng thứ 2-3 thì bón thúc mỗi gốc khoảng 50-100 gam phân NPK hòa tan trong nước, tưới vào dưới tán cây, cách xa gốc 20-30cm. Khi cây ra hoa hình thành quả, hạn chế bón phân – ở mức 100-200g. Chú ý vào mùa lạnh cần tưới ẩm thường xuyên, kết hợp phun oxyclorua đồng và phòng trừ rệp hại cây. Cần chú ý, quá trình chăm sóc chỉ dùng tay nhổ cỏ, không dùng cuốc làm đứt rễ, dẫn đến bị úng thủy, cây chết.
Với kinh nghiệm, cách trồng mới này, cây đu đủ cho thu hoạch, năng suất đạt quanh năm, hy vọng với phương pháp này bà con áp dụng, sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao.
( Theo kinh nghiệm của anh Nguyễn Thành Khải – nổi tiếng là nông dân trồng đu đủ giỏi tại thôn Phú Thạnh, xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn)
Nguồn : Trung tâm Khuyến nông Quốc gia
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét