Cây nha đam được xem như loài cây có tính năng giải nhiệt và thanh lọc cơ thể con người, việc sử dụng cây nha đam thường xuyên còn có thể phòng trị rất nhiều loại bệnh về gan.
Cây nha đam trồng chậu tại nhà vừa làm cây cảnh trang trí vừa cung cấp nguồn dược liệu quí báu mà thiên nhiên ban tặng.
1. Nhân giống và đất trồng cây nha đam
1.1 Cách phân biệt giống
Giống cây nha đam hiện nay gồm hai loại, loại nha đam Mỹ lá dài, bẹ to nặng ký và nhiều gai nhọn trên cạnh lá, phía sau lá có lớp phấn trắng, đây là giống nha đam được mọi người ưa trồng vì có năng suất và dễ trồng.
Ngoài ra còn có loại nha đam mà người dân địa phương hay trồng từ trước còn gọi là giống nha đam Việt Nam, lá nhỏ hơn, bẹ mỏng hơn, lá có ít gai và màu xanh không có lớp phấn trắng.
Nhân giống cây nha đam bằng cách tách chiết lấy cây con là nhanh nhất, chọn cây con cao từ 15-20 cm là có thể bứng cả gốc đem ra trồng chậu.
1.2 Đất trồng cây
Cây nha đam đòi hỏi phải thoát nước tốt và được ủ xử lý cho hoai để bộ rễ cây dễ phát triển.Trộn tỷ lệ đất trồng cây gồm tro trấu : phân hữu cơ ( phân bò hoai hay phân trùn quế) : xơ dừa : trấu sống với tỷ lệ là 2:1:0,5:1. Sau khi trộn đều thì gom thành đống đậy kín ủ lại trong thời gian 15-20 ngày mới đem ra trồng.Trường hợp có tro trấu và phân hữu cơ đã qua sử dụng có thể trộn thêm ít phân trùn quế là có thể dùng được ngay.
1.3 Chọn chậu trồng cây
Có thể chọn chậu nhựa hay sành có đường kính miệng chậu từ 25-30 cm, chiều cao chậu 30-40 cm để cây nha đam phát triển lâu dài cho ra lá lớn. Khi vừa bứng cây con làm giống có thể để nơi khô ráo thoáng mát từ 2-3 ngày mới đem trồng , mỗi chậu trồng một cây giống. Khi trồng ta lấp đất trồng vừa kín bộ rễ chứ không lấp cả lá sẽ gây úng cho cây, nén chặt đất quanh rễ hay dùng cây cố định không làm lay gốc.
2. Chăm sóc và bón phân
2.1 Tưới nước cho cây nha đam
Khi mới trồng cây con cần tưới ngày một lần để rễ cây đủ ẩm cho ra rễ mới, khi thấy cây nha đam xanh tốt thì hai ngày tưới một lần, trường hợp nắng gắt nên tưới mỗi ngày vào sáng sớm. Nếu mưa kéo dài phải kiểm tra thường xuyên, kê đáy chậu không để ứ nước, có thể làm chết cây.
2.2 Chăm sóc chậu cây nha đam
Cây nha đam có thể trồng dưới bóng râm hay nắng gắt nên vị trí đặt chậu khá thuận lợi.
2.3 Bón phân cho chậu cây nha đam
Nếu trồng làm cây cảnh trang trí thì có thể bón phân hữu cơ và phân NPK( một tháng 2 đợt luân phiên) để giúp lá cây nha đam luôn xanh tốt. Nếu trồng với mục đích thu hái sử dụng thì chỉ bón phân hữu cơ và tro củi hàng tháng bón một lần với liều lượng phân trùn quế lớp mỏng 1-2 cm lên mặt chậu, tro củi thì dùng một muỗng cà phê đầy rải nhẹ lên đất sau đó tưới nước đầy đủ.
3. Phòng trừ sâu bệnh
Cây nha đam trồng trong chậu ít khi bị sâu bệnh tấn công, nếu mưa kéo dài làm dư nước có thể gây úng lá thối nhũn, cần cắt bỏ kịp thời các lá bị hư bằng dao sạch rồi cách ly nguồn bệnh không để lây lan.
4 Thu hoạch
Cây nha đam trồng trong chậu tại nhà có thể thu hoach sử dụng sau một năm chăm sóc, thời gian cây sinh trưởng rất lâu, sau thời gian xung quanh cây mẹ sẽ có nhiều cây con, có thể bứng ra trồng thêm tiếp tục, trường hợp muốn cho cây mẹ luôn cho lá lớn thì phải tỉa bỏ cây con để dưỡng sức cho cây chính.
Nếu trồng cây nha đam ra ngoài đất thì cây mau lớn hơn ( khoảng 6-8 tháng là thu hoạch được) do cây có đủ diện tích đất sinh trưởng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét