Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa báo cáo Thủ tướng về việc phát triển cây mắc ca ở Việt Nam trong thời gian qua. Theo đó từ năm 2002, Bộ đã chỉ đạo các đơn vị chức năng nhập giống, trồng khảo nghiệm ở nhiều địa phương như Ba Vì (Hà Nội), Mai Sơn (Sơn La), Đồng Hới (Quảng Bình); Thái Nguyên; Nam Đàn (Nghệ An), Bảo Lộc (Lâm Đồng).
Kết quả khảo nghiệm bước đầu cho thấy cây mắc ca có khả năng phát triển tại các điểm trồng, nhưng tỷ lệ đậu quả, sản lượng quả khác nhau. Ở mô hình khảo nghiệm có quả thì sản lượng hạt tươi cao nhất vào năm thứ 10 đạt 17,5-21,5 kg/cây, tương đương 3,9-4,7 tấn/ha/năm; thấp nhất đạt 9,4-12,4 ha/cây, tương đương 1,9-2,5 tấn/ha/năm. Một số địa điểm cây không đậu quả. Trên cơ sở này, Bộ đã công nhận 10 giống mắc ca.
Nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam đang tập trung đầu tư vào cây mắc ca do lợi nhuận của nó mang lại.
|
Chủ trương xem mắc ca là cây thực phẩm dinh dưỡng cao, đem lại lợi ích kinh tế tốt, nhưng Bộ Nông nghiệp lo ngại đây là cây trồng mới, quá trình khảo nghiệm cho kết quả khác nhau. Bộ cũng cho rằng cần xem xét kỹ các vấn đề về chế biến, thị trường. "Vì vậy, Bộ chưa đủ căn cứ khoa học để phê duyệt quy hoạch phát triển cây mắc ca, quy trình kỹ thuật nhân giống, trồng, chăm sóc, công nghệ chế biến cũng đang trong giai đoạn hoàn thiện", công văn gửi Thủ tướng nêu rõ. Bộ đang chỉ đạo các đơn vị tập trung nghiên cứu và ban hành trong năm nay.
Để hạn chế rủi ro cho tổ chức, cá nhân trồng cây mắc ca, Bộ có văn bản yêu cầu các địa phương hướng dẫn nông dân trồng mắc ca ở nơi đã khảo nghiệm thành công hoặc có điều kiện tương tự; không triển khai trồng cây mắc ca trên quy mô lớn trong khu vực chưa trồng khảo nghiệm khẳng định hiệu quả.
Bên cạnh đó, các địa phương cần tăng cường quản lý chặt chẽ chất lượng giống, cơ sở sản xuất giống, chỉ cho phép trồng giống cây vô tính (cây ghép, chiết) từ các dòng có năng suất, chất lượng cao đã được công nhận.
Trước đó, tại cuộc họp báo Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho rằng cần cân nhắc thận trọng khi trồng mắc ca, bởi diện tích cây này trên thế giới sau nhiều năm phát triển mới có khoảng 80.000 ha.
"Việc trồng mắc ca ở Tây Nguyên với quy mô 200.000 ha như Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) và công ty Him Lam đề xuất cần thận trọng", ông Nên nói và đề nghị Ban chỉ đạo Tây Nguyên xem xét bổ sung cây mắc ca vào nhóm cây nông, công nghiệp mũi nhọn cần được ưu tiên phát triển.
Bộ Nông nghiệp đang lập quy hoạch phát triển cây mắc ca, trước mắt dự kiến tới năm 2020 phát triển với quy mô khoảng 10 nghìn ha, chủ yếu ở những địa bàn đã khảo nghiệm thành công, có hiệu quả ở Tây Bắc, Tây Nguyên.
Liên quan đến vấn đề này, nhiều nhà khoa học cũng cho rằng nên thận trọng khi trồng mắc ca vì là cây mới. "Chỉ nên mở rộng trồng mắc ca ở những nơi đã khảo nghiệm thành công và ở mỗi nơi phải khẳng định được một giống phù hợp", giáo sư Lê Đình Khả, người có nhiều năm nghiên cứu về mắc ca đề nghị.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét